Những câu chuyện có thật về luân hồi: Đôi tình nhân Núi Cấm
Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo? Chuyên mục văn hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên kể lại những câu chuyện có thật, với mong muốn qua những câu chuyện nhân sinh này, mỗi người cùng suy ngẫm và có trách nhiệm hơn với cuộc sống, trân quý những ngày tháng quý giá chúng ta đang trải qua…
Thiên nhiên núi rừng mênh mông hùng vĩ của vùng Núi Cấm, xã An Hảo, Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được mệnh danh “Thất Sơn huyền bí”, là đỉnh nóc nhà của đồng bằng miền Tây Nam Bộ.
Đúng ngày 15/4/1997 (âm lịch), có một đôi tình nhân trên đỉnh Bồ Hong trên núi Cấm đã “cột tay” nhau rồi cùng gieo mình xuống vực sâu. Người nam tên Nguyễn Quốc Nam (tên thường gọi là Nhôm, thời điểm mất anh mới 27 tuổi) nhà ở ngọn kênh Trà Uối, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; còn cô gái tên Phượng, quê ở Phong Điền, TP.Cần Thơ. Không môn đăng hộ đối, tình yêu của họ bị ngăn cản…
Anh Nguyễn Văn Sơn (tên thường gọi là Liên, nhà ở khu vực Vồ Ông Bướm trên núi Cấm chính là người cha của đôi song sinh 1 trai- 1gái được biết là do đôi tình nhân “cột tay” nhau nhảy từ đỉnh Bồ Hong xuống vực chết chuyển sinh trong kiếp này. Anh không quên cái ngày định mệnh 15/4 Âm lịch năm 1997, khi đó vợ anh mới mang thai. Cả khu vực núi Cấm xao xác chuyện đôi tình nhân vì không môn đăng hộ đối đã cùng nhau tìm tới cái chết bằng việc cùng nhau nhảy xuống từ đỉnh núi Cấm. Lúc đem xác họ lên và an táng thì cánh tay người con gái bị mối gút dây dù, mà họ đã dùng để buộc tay nhau lại trước khi nhảy xuống, in khuyết sâu một lỗ, cô gái gãy xương, mất máu mà chết. Còn người con trai thì bị vỡ đầu ở phía sau bên phải.
Anh Liên kể lại: “Khi dẫn vợ lên đỉnh Bồ Hong ngắm cảnh, tôi chỉ cho vợ, chỗ này là nơi đôi tình nhân cột tay nhau nhảy xuống vực tự tử nè. Vợ tôi nhìn theo cánh tay tôi chỉ, rồi chợt rùng mình và bụng đau dữ dội. Tôi nghĩ do vợ mang bầu, leo dốc gây đau bụng nên tôi đưa vợ về nhà. Đến ngày 21/9/1997 (âm lịch) vợ tôi sinh tại bệnh viện huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tôi mừng quýnh vì là con trai đầu lòng. Bác sĩ đã cắt nhau, tắm rửa cho đứa bé, thì bất ngờ xuất hiện 1 cánh tay trẻ sơ sinh khác “ló” ra… Sau khi kiểm tra, bác sĩ bảo còn một đứa nữa, là song sinh, nhưng đứa còn lại nằm ngang nên phải mổ mới bắt ra được. Đến khi mổ ra là 1 bé gái. Chính bác sĩ trước đó cũng không hề biết là vợ tôi mang song thai”, anh Liên cho biết thêm.
Theo anh Liên, lúc vợ anh mới sinh, bác sĩ đã kêu vợ chồng anh lại chỉ cho những đặc điểm kì lạ trên cơ thể các con. Trên cánh tay của bé gái có một dấu vết hằn khuyết trên da (như bị một sợi dây cột siết) và có nốt “ruồi son” to tướng, mà nhìn kĩ thì giống như một cục máu bầm hơn. Còn bé trai thì đầu bị móp ở phía sau bên phải và có 1 nốt ruồi đen ngay chỗ móp. Anh Liên nói: “Lúc đó, bác sĩ trong bệnh viện đã nói nửa đùa nửa thật là “hai đứa nhỏ này giống như đôi tình nhân cột tay nhau tự tử quá”. Tôi cố tình phớt lờ cho qua. Sau đó về nhà, mấy lần đưa 2 đứa nhỏ đi trạm y tế xã tiêm ngừa, cán bộ y tế cũng nói như vậy, tôi vẫn không tin. Cho đến một ngày…”.
Những điều kì lạ hay sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Ban đầu anh Liên nhất quyết không tin. Bởi theo anh, khi anh Nhôm và chị Phượng cột tay nhau nhảy xuống núi thì vợ anh đã mang bầu gần 3 tháng. Làm gì có chuyện chuyển kiếp đầu thai… “cấp tốc” như vậy.
Cuộc sống của gia đình nhỏ với 2 đứa trẻ sinh đôi cứ thế êm đềm trôi qua, mặc cho những lời xì xầm, to nhỏ của bàn dân thiên hạ. Anh Liên đặt tên cho bé trai là Nguyễn Văn Đ. và bé gái là Nguyễn Thị Kh. Cho đến 1 ngày, có một cặp vợ chồng già gần 60 tuổi tìm đến nhà anh Liên. “Sau một lúc, họ mới giới thiệu, đó chính là cha mẹ ruột của anh Nhôm – chàng trai đã cột tay cùng người yêu nhảy xuống vực sâu từ trên đỉnh Bồ Hong. Họ nói, chính anh Nhôm sau khi chết đã về báo mộng, bảo là anh đã chuyển kiếp đầu thai vào gia đình trên núi Cấm và kêu ba mẹ lên tìm. Gặp thằng bé, người đàn ông vỗ tay là thằng Đ. chạy lại ôm vai bá cổ ông như thân quen lắm”, anh Liên nói.
Theo lời bà Lê Thị Hoa, mẹ ruột của anh Nhôm, năm đó, Nhôm gặp một cô gái tên Phượng quê ở Phong Điền, TP. Cần Thơ, rồi cả 2 nảy sinh tình cảm lúc nào không hay biết. “Con Phượng thương thằng Nhôm dữ lắm. Nó nói thằng Nhôm không cưới nó sẽ tự tử chết. Con gái nhà khá giả, nhiều người dạm hỏi mà con nhỏ quyết không chịu, cứ đòi lấy thằng Nhôm. Thấy vậy, gia đình tôi cũng lặn lội xuống tận Phong Điền để hỏi cưới. Nhưng phía gia đình nhà gái làm khó dễ, đòi phải đi đủ lễ thách cưới. Trong khi nhà tôi lại nghèo, nên tôi thôi không dám trèo cao”, bà Hoa gạt lệ kể.
Sau đó, Nhôm tìm lên núi Cấm để làm chốn ẩn tu. Ba anh là Nguyễn Văn Chiến bệnh nặng nên Nhôm về nhà thăm. Còn phần chị Phượng, phía gia đình nhà gái mạo một bức thư, giả như Nhôm gửi, với nội dung đại loại là Nhôm không thèm cưới Phượng, với những lời lẽ chê trách nặng nề. Sau khi đọc bức thư, Phượng buồn bã bỏ xứ ra đi một thời gian. Nhưng mối tình đầu trong tim cô gái trẻ cứ thổn thức nên cô quyết quay về tìm gặp người yêu lần cuối. Sau khi Nhôm giải thích rõ ràng không hề viết bức thư nào cho Phượng, thì Phượng đã hiểu ra mọi việc và nhất quyết đòi theo Nhôm đến tận chân trời góc biển. Rồi một ngày, Nhôm gửi lại cho dì Hai một bức thư nhưng căn dặn, khi nghe “tin” của con, dì Hai mới được đọc. “Nó đi ngày 12/4/1997 âm lịch thì 3 ngày sau, hay tin nó cột tay cùng người yêu nhảy núi”, anh Nguyễn Văn Lem, anh ruột Nhôm kể rõ.
Báo mộng cho gia đình về việc chuyển sinh thành cặp song sinh vào nhà anh Liên ở Vồ Ông Bướm, núi Cấm
Nhận được hung tin, ông Nguyễn Văn Chiến – ba của Nhôm, lên núi Cấm nhận xác con trai, nhưng gia đình nhà gái tuyệt tình không đến nhận. Thấy đôi trẻ yêu nhau không trọn vẹn, thì thôi để họ về chung dưới suối vàng, ông Chiến quyết định xin chính quyền xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được chôn xác Nhôm và Phượng ở khu đất nghĩa địa dưới chân núi Bà Đội Ôm. Hai chiếc quan tài được chôn chung một huyệt.
Sau khi chết, Nhôm đã về báo mộng cho gia đình biết đã cùng với người yêu chuyển kiếp đầu thai thành cặp sinh đôi 1 trai – 1 gái.
“Chính tay ba tôi liệm, chôn cất hai đứa nó, nên ổng nhớ rõ đặc điểm cả hai lúc mất. Bởi vậy, khi nhìn thấy cặp sinh đôi 1 trai – 1 gái là thằng Đ. và con Kh. (con của anh Liên mà anh Nhôm chỉ nhà), ba tôi nhận ra những dấu hiệu lạ thường. Và ông tin rằng 2 đứa bé đó chính là do con trai và người yêu nó “đầu thai” chuyển thế”, anh Lem nói thêm.
Cậu bé 2 lần đòi về “nhà cũ”
Anh Liên nói có rất nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa anh Nhôm và bé trai Đ. nên anh cũng hoang mang, tin con mình là do chàng trai kia đầu thai, dù hoàn toàn chẳng muốn tin.
Anh Liên kể : “Lúc thằng bé Đ. độ 5 tuổi, tự nhiên nó đòi về thăm nhà. Tôi nói nhà con ở đây mà thăm gì nữa, thì nó bảo về thăm nhà “lớn”, thăm ba mẹ “lớn”. Tôi thử chở nó về, lần đầu tiên 2 cha con đi tới chỗ lạ, nhưng nó dẫn đường tôi chạy tới nhà nằm tít trong ngọn 1 con rạnh nhỏ ngoằn ngoèo hun hút. Tới nhà nó, nó vô buồng nằm suốt như là nhà của nó vậy. Hồi năm ngoái, sau 15 năm kể từ ngày Nhôm mất, tự nhiên thằng Đ. kêu tôi chở về nhà ba mẹ “lớn” để lấy bức thư nó viết hồi trước. Đúng là về dưới ấy vẫn còn một bức thư tuyệt mệnh của anh Nhôm để lại, nó đem về trên này nó giữ tới bây giờ.
Lá thư để lại là lời hẹn ước tái sum vầy?
Bé Đ mang bức thư trở về núi Cấm, cất giữ cẩn thận như 1 báu vật. Bức thư tuy có nhiều lỗi chính tả (do anh Nhôm chỉ học tới lớp 6) nhưng lời lẽ, ý tứ trong thư thì sâu sắc. Phần lớn bức thư được viết theo thể thơ, mà theo gia đình thì anh Nhôm đọc nhiều kinh Phật nên sau đó cứ “xuất khẩu thành thơ”. Bức thư đề ngày 5/4/1997 (âm lịch), viết trên 4 mặt giấy carô đã sờn cũ.
Nhôm kể về những việc chưa làm được, điều còn bận tâm và xin lỗi người thân vì sự ra đi của mình. Tuy nhiên, ở đoạn cuối thư, Nhôm viết:
“… Tôi đã đa mang một nỗi sầu
Bây giờ mượn bút viết vài câu
Tuổi xuân tan tác thời hoa mộng
Buồn đời thổn thức suốt canh thâu
Canh thâu tôi thức để làm chi
Một lòng nhất quyết phải ra đi
Bỏ lại sau lưng bao kỷ niệm
Đêm tàn canh vắng lệ hoen mi
Hoen mi vì dạ cứ ưu phiền
Tâm thần xao xác mãi tợ điên
Chỉ có một điều tôi muốn nói
Điểm lại bây giờ đã thập niên
Thập niên tôi thệ ở cao sơn
Bình sanh tủi nhục tử còn hơn
Có ai hiểu được lòng tôi đấy
Bây giờ độc bước thấy cô đơn
Cô đơn không phải vì sắc hoa
Nhìn đời quá khốn mới đi xa
Dù sanh hay tử không màng tới
Hẹn ngày nào đó sẽ hiệp gia
Hẹn ngày tái ngộ không xa”.
Bây giờ mượn bút viết vài câu
Tuổi xuân tan tác thời hoa mộng
Buồn đời thổn thức suốt canh thâu
Canh thâu tôi thức để làm chi
Một lòng nhất quyết phải ra đi
Bỏ lại sau lưng bao kỷ niệm
Đêm tàn canh vắng lệ hoen mi
Hoen mi vì dạ cứ ưu phiền
Tâm thần xao xác mãi tợ điên
Chỉ có một điều tôi muốn nói
Điểm lại bây giờ đã thập niên
Thập niên tôi thệ ở cao sơn
Bình sanh tủi nhục tử còn hơn
Có ai hiểu được lòng tôi đấy
Bây giờ độc bước thấy cô đơn
Cô đơn không phải vì sắc hoa
Nhìn đời quá khốn mới đi xa
Dù sanh hay tử không màng tới
Hẹn ngày nào đó sẽ hiệp gia
Hẹn ngày tái ngộ không xa”.
Anh Liên kể tiếp câu chuyện: “Lạ nữa là lúc tụi nhỏ chừng 3 tuổi, 2 đứa ngồi chơi với nhau. Tôi nghe thằng Đ. nói “nhà tao nghèo, má tao bán bánh bò”, còn cô Kh. thì nói “nhà tao giàu”…”.
Khi về tới nhà của ông Nguyễn Văn Chiến và bà Lê Thị Hoa – cha mẹ ruột của anh Nhôm, anh nhận thấy thằng Đ. có rất nhiều điểm tương đồng. Tính nết anh Nhôm rất trầm tĩnh, thằng Đ. cũng ít nói. Nhà anh Nhôm ở gần chùa, mười mấy tuổi Nhôm đã vô chùa làm công quả, đọc kinh phật, ăn chay. 6 năm nay anh Liên rời qua gần chùa Vạn Linh mở quán bán nước giải khát, quán ăn nên thằng Đ. sớm tối lên chùa cúng Phật. 3 năm nay Đ. ở hẳn trên chùa, ăn chay trường, ngày 3 buổi đọc kinh.
“Có rất nhiều chuyện trùng hợp giữa thằng Nhôm và bé Đ. nên gia đình tôi tin rằng đó chính là em tôi đầu thai. Lạ nữa là, thằng bé Đ sinh ra ở núi Cấm, lúc mới 5 tuổi mà nó dẫn đường về cho ba nó (anh Liên) về đến tận nhà gặp má tôi. 10 năm sau, cái lần nó về tìm bức thư tuyệt mệnh của thằng Nhôm thì đường sá hoàn toàn thay đổi, vậy mà nó vẫn biết đường về nhà. Không phải là thằng Nhôm đầu thai thì làm sao biết đường xá mà về, làm gì biết những chuyện trong nhà và làm sao bé Đ. có tình cảm quyến luyến thân thiết với anh em tôi như vậy”, anh Lem quả quyết.
Nếu như câu chuyện là hoàn toàn thật, và trong cuộc đời quả thật có luân hồi, thì mỗi kiếp người chỉ giống như 1 ngày, kiếp sau chỉ như một ngày hôm sau ngủ dậy… Luôn giữ bình yên và thiện niệm trong tâm hồn, sống vì người khác, đó phải chăng mới là điều quý giá nhất?
“Dễ gì vật đổi sao thayChỉ xin giữ một chút này cõi riêngGiữa bề bộn một cõi thiềnLúc giông bão có bình yên náu mình”
Hà Phương Linh tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét