Trịnh Công Sơn: Người viết tình ca ngân dài theo năm tháng
Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con của mảnh đất cố đô Huế đã dành gần như cả cuộc đời để viết nhạc, làm thơ và vẽ tranh… Nhưng như một tế bào ẩn sâu trong máu thịt, Trịnh Công Sơn gắn bó với âm nhạc cùng những bản tình ca cứ “ngấm” vào lòng người.
Có lẽ nên dùng từ "mối nhân duyên" để chỉ mối quan hệ giữa cố nhạc sĩ với âm nhạc. Bởi lẽ, năm 18 tuổi, Trịnh Công Sơn gặp tai nạn rồi nằm liệt giường gần hai năm, từ đó mà ông viết nhạc, đọc sách triết, văn học,… tất cả như được tích lũy để chuẩn bị cho một cú hích với âm nhạc. Mà đúng hơn là những năm ấy, cái “máu âm nhạc” đã đến lúc “hữu duyên”.
Người ta biết đến nhạc Trịnh với đầy đủ những thể loại, khía cạnh: nhạc phản chiến, nhạc thân phận số phận con người và tình ca,…. Trong kho tàng những ca khúc của ông, đề tài tình ca có lẽ chiếm phần ưu, những ca khúc với đề tài tình yêu được gắn “mác” Trịnh khiến nhiều người ngập ngừng trong thế giới chỉ có âm nhạc và tình yêu. Đó là thứ tình yêu, khi e ấp, lúc dửng dưng, khi vộn vã lúc trầm ngâm…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Những Ướt mi, Xin trả nợ người, Như một lời chia tay, hay Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên,… là những ca khúc vượt thời gian, những ca khúc để một lần nghe cảm xúc sẽ thế này, lần khác sẽ đổi thay với một tâm trạng hoàn toàn chẳng giống lần đầu, còn có đôi khi, thứ cảm xúc, tình cảm day dứt, ám ảnh ấy qua hết lần này rồi lần khác vẫn vẹn nguyên như một.
“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa...
Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh...”
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa...
Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh...”
Tình với Trịnh Công Sơn có vẻ buồn, cái buồn man mác cô đơn, như một ngày ngủ yên thật yên bên góc phố đông vậy. Với điệu Slow, Blues hay Boston, Trịnh Công Sơn mang đến âm nhạc của tình ca miên man, da diết, có đôi khi rất “cao siêu”, một lần đừng mong hòng hiểu hết.
Hoàng Phủ Ngọc Tường nói về tình ca của Trịnh nhân thế này: “..., tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là 1 bông hồng dâng tặng- nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhìn ra thế giới hiện đại”. Từ những bản tình ca, cái tâm trạng lo âu và khắc khoải chưa nguôi của những con người đang nhìn ra thế giới hiện đại được phản chiếu trong những tấm gương khổng lồ vô tận để khi nhìn vào mỗi người chúng ta lại thấy tình quá, buồn quá mà cũng rất đỗi đời!
Danh ca Khánh Ly - người được mệnh danh là người hát nhạc Trịnh hay nhất
Ngồi trò chuyện với một tốp các bạn trẻ chỉ mới mười tám hăm mươi, hỏi họ đã bao giờ nghe nhạc bác Trịnh chưa. Họ, người nghe 1 bài, người nghe nhiều, người lác đác,… . Tất cả đều có chung một quan điểm, tuổi trẻ cần nên nghe nhạc Trịnh và nhạc Trịnh là thứ âm nhạc không phải chuộng người nghe mà là để mọi người cùng nghe. Nói như vậy sẽ không khách quan cho lắm vì âm nhạc cần tự do cùng tự nguyện. Người ta cảm nhạc Trịnh, người ta sẽ gắn bó, có đôi khi, chỉ nghe một lần rồi thôi. Nhưng đúng là có những ca khúc mà ngoài tình ca đã được hàng vạn người hát như: Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Nối vòng tay lớn hay những ca khúc thiếu nhi như Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng,… Dẫn chứng như vậy để biết rằng, nhạc Trịnh có số lượng đông đảo người nghe, hát và cảm,…
Người ta nói nhạc Trịnh: ru ta, ru mình, ru người nhưng nhạc Trịnh có lẽ chẳng biết ru, chỉ là người ta mãi vướng vào những tình cảm riêng, rồi gặp nhạc Trịnh cũng như một mối nhân duyên, thế là tự ru mình mà thôi. Vậy mà âm nhạc của Trịnh Công Sơn bao năm nay vẫn còn khiến người ta mãi ám ảnh trong những lời ru, ru xa, ru gần, ru những mộng mị rất đời.
Tình ca của Trịnh Công Sơn cũng vậy, đôi khi trên chiếc võng tình ái, nhạc Trịnh lại chính là cơn nắng ban trưa chiếu rọi, khiến mặt nóng bừng, thấy có chút mỏi mệt nhưng rồi nhận ra, đó là thứ ánh nắng xanh tươi len lỏi qua những tùm lá biếc, đến với mặt người, chỉ còn là nắng ấm, dịu hiền hơn.
“Em ra đi nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”
Vẫn có em trong tim của mẹ
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”
Nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi Trịnh Công Sơn là "người Việt viết tình ca hay nhất thế kỉ”, và có lẽ, Tình ca của Trịnh Công Sơn còn là thứ tình ca ngân dài theo năm tháng. Năm tháng là thứ vô hạn, như bao năm qua, nhạc Trịnh “không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại.” * ./.
*: Mượn lời nhà thơ Trần Đăng Khoa thay câu kết bài.
Nhiên Bình
Thể thao Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét