Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Không chỉ là danh lam thắng cảnh
“Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử
Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự
…
Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước
Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài…"
Câu hát đưa ta về với Yên Tử, nơi hội tụ linh thiêng và lịch sử.
Sự hòa quyện của núi non hùng vĩ với nét cổ kính của hệ thống am, chùa, tháp, tượng đã tạo cho Yên Tử một vẻ cuốn hút riêng
Nằm trong dãy núi cánh cung Đông Triều trùng điệp của vùng Đông Bắc, Yên Tử là một ngọn núi thuộc xã Thượng Yên Công (thị xã Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh). Nơi đây được xem là có vị trí đắc địa, nơi tích tụ linh khí non sông
Yên Tử cuốn hút ta bằng cảnh tượng tự nhiên như một điều gì đó diệu kỳ, linh thánh với đỉnh núi hùng vĩ vút cao nhô mỏm đá cheo leo như tự tình cùng mây trắng; vạn vật hiện hữu đấy nhưng cũng mờ ảo giữa cõi thực và hư…
Là ngọn núi cao nhất và đẹp nổi tiếng của vùng Đông Bắc, với độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử sừng sững giữa đất trời tạo nên một non thiêng vừa uy nghi vừa hùng vĩ. Xưa kia vua Trần Nhân Tông chọn nơi đây làm chốn tịnh độ để giác ngộ Phật pháp, lập nên thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Ông trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.
Trong gần 10 năm tu tập tại đây, Vị Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hàng trăm công trình trên núi Yên Tử gồm chùa, am, tháp, tượng, bia nằm rải rác giữa rừng cây cổ thụ, tạo thành một quần thể danh lam hài hòa giữa cảnh trí thiên nhiên, để lại cho hậu thế một phức hợp “danh lam thắng cảnh” vừa có giá trị về cảnh quan, vừa có giá trị cả về mặt văn hóa và lịch sử.
Hàng năm, cứ vào mùa xuân,lễ hội Yên Tử lại diễn ra, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài đến cuối tháng Ba Âm lịch; người ta đến đây không chỉ để hành hương về đất Phật mà còn đến để vãn cảnh, cảm nhận sự thanh tịch của cõi phù vân huyền ảo.
Di sản Văn hóa thế giới
Với những giá trị nổi bật gắn với hình thức cư trú của con người, thể hiện sự tương tác giữa con người với cảnh quan và giá trị về tín ngưỡng, tôn giáo, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về việc tư vấn lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.
Theo đó, Yên Tử sẽ phù hợp với đề cử hồ sơ Di sản Văn hóa thế giới. Đối với di tích chùa Hồ Thiên (Đông Triều), việc phục dựng chùa Hồ Thiên cần đảm bảo tuyệt đối tính chân xác cả về kiến trúc, quy mô, vật liệu theo nguyên gốc di tích. Trước đó, được biết, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã lập ý tưởng và làm hồ sơ đưa danh thắng Yên Tử vào vị trí đề cử Di sản thế giới. Bộ hồ sơ này sẽ được UBND hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9/2015, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và nộp lên UNESCO trong năm 2016 để xem xét công nhận di sản thế giới vào năm 2017.
Chùa Đồng đã được Trung tâm Sách kỷ lục VN ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước. Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới. Chùa Đồng được ví như một “kỳ quan mới” tại khu danh thắng Yên Tử.
Các chuyên gia cho biết, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất ở Yên Tử cho thấy đây là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng mang giá trị của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy. Nơi đây đã in dấu một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài.
Người ta cũng tìm thấy ở đây sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người. Với sự tiếp nối từ vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc lâm Trần Nhân Tông, đến vị tổ thứ hai và thứ ba là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái, Yên Tử đã Trung tâm Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Cùng với đó là sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.
Ngoài ra, phía Tây Yên Tử với diện tích rộng lớn, gồm nhiều thảm thực vật và đặc biệt là hàng loạt công trình kiến trúc, chùa chiền mang dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần, cho thấy sự giao thoa giữa văn hóa cung đình với các dân tộc bản địa...
Việc lập hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới sẽ góp phần đưa đến một cách nhìn nhận đúng đắn và trân trọng hơn đối với di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Không chỉ người dân trong nước mà cả thế giới cũng có thể thấy được, ẩn trong vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, huyền bí của thiên nhiên, của cõi thiền tự là những thông tin giá trị về vùng đất và con người nơi đây.
Trang Nguyên (Thể thao Việt Nam)
Nhận xét
Đăng nhận xét