Chuyện đồng tính trong điện ảnh Việt Nam: Chúng tôi cần tiếng nói thực sự!

Đồng tính không còn là đề tài mới mẻ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Trên thế giới, phim với chủ đề đồng tính đã được làm trước Việt Nam rất lâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được phim đồng tính hoặc có yếu tố đồng tính mà có thể thành công dễ dàng.

 Chuyen dong tinh trong dien anh Viet Nam Chung toi can tieng noi thuc su! hinh anh
Một bộ phim với chủ đề đồng tính


Phim đồng tính nhiều nhưng chưa “chất”

Gặp gỡ nhiều bạn là người đồng tính để chia sẻ về việc các bạn đang nghĩ như thế nào về điện ảnh Việt Nam với những bộ phim có chủ đề hoặc mang yếu tố đồng tính. Các bạn đều thở dài ngán ngẩm, họ nói quyền lợi và tiếng nói của họ bị “lái” đi nhiều quá, chưa thật và dường như chỉ để câu khách.

Nếu để ý sẽ thấy, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Âu Mĩ, đề tài đồng tính đã được triển khai từ lâu. Đề tài đồng tính được đưa ra bàn luận, xem xét rất cẩn thận trước khi làm phim. Sở dĩ vậy vì đây là một đề tài nhạy cảm, nó đề cập đến “thế giới thứ 3”, những người ở cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới).

Brokeback Mountain, bộ phim với đề tài đồng tính được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Annie Proulx, bộ phim đã đoạt liên tiếp 3 giải Oscar: Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nhạc phim hay nhất năm 2006.

“Làm phim với đề tài đồng tính rất tốt, là dịp để tiếng nói, số phận của chúng em được nhiều người biết đến, hiểu và cảm thông. Tuy nhiên, em vẫn thích xem phim nước ngoài làm về đồng tính hơn chứ xem phim Việt giờ “nhạt” lắm. Có phim thì chỉ chăm chú vào giải trí, có phim thì chưa đi đến đích, không để lại điều gì cô đọng cả.” M.H, một người đồng tính tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhìn thẳng nhìn thật vào điện ảnh Việt Nam với những bộ phim đồng tính sẽ thấy sự “khập khiễng” so với những phim đồng tính nước ngoài bấm máy. Khập khiễng về nội dung kịch bản, về cách triển khai vấn đề và quan trọng là “ý đồ” nhà làm phim.

Không thể phủ nhận doanh thu là thứ yếu khi làm một bộ phim, kể cả những phim nước ngoài cũng cần chạy theo doanh thu nhưng tại sao phim đồng tính nước ngoài để lại nhiều sự ám ảnh mà phim Việt Nam lại không, hoặc có sẽ rất mờ nhạt. Đó là câu hỏi nhức nhối đối với các nhà làm phim nói riêng và đối với điện ảnh Việt nói chung.

Phim Chuyện tình Bangkok của Thái Lan ám ảnh người xem bởi yếu tố tình cảm, khát vọng yêu đương chính đáng

Điểm danh những bộ phim có chủ đề đồng tính hoặc xuất hiện những yếu tố đồng tính tiêu biểu của Việt Nam như: Tèo Em, Để mai tính, Để mai tính 2, Nàng men chàng bóng, …vân vân, cùng một loạt các các phim khác có “nhập nhằng” những yếu tố đồng tính. Những bộ phim này khi ra rạp và trước khi ra rạp đã làm mưa làm gió thi trường điện ảnh bởi yếu tố hài hước, vui nhộn. Nhưng trái lại, cũng vấp phải những phản ứng không mấy tích cực từ phía khán giả khi xây dựng hình tượng người đồng tính, chuyển giới quá “lố”. Khán giả đã có không ít người “nghi ngờ” những bộ phim đã cố tình dùng hình ảnh người đồng tính để câu khách mà không suy nghĩ thấu đáo vai trò, giá trị và quyền lợi quan trọng của họ trong xã hội. Điều này khiến nhiều khán giả xem phim cảm thấy thất vọng.

Điển hình như bộ phim mới ra rạp cuối năm 2014, phim Để mai tính 2 của đạo diễn Charlie Nguyễn. Dù có dàn diễn viên hot, trong đó có Thái Hòa, người được mệnh danh là “ông hoàng phòng vé” với vai “bóng”, ẻo lả. Phim đã đạt doanh thu “khủng” chỉ sau tuần đầu tiên công chiếu và trở thành bộ phim mới có doanh thu cao nhất ra rạp cuối 2014. Tuy nhiên, số lượng không đi cùng với chất lượng, Để mai tính 2 bị chỉ trích nặng nề khi đem hình tượng người đồng tính (Thái Hòa thủ vai Chị Hội) triển khai một cách “lố nặng”. Những cử chỉ hành động của chị Hội đã làm quá lên sự thật về những người đồng tính, những “bóng” ở đời thường. Tuy rằng, là một phim mang thuần yếu tố giải trí, hư cấu, nhưng Để mai tính 2 thực sự chỉ có thể là ông chủ của doanh thu chứ không thể làm chủ tình cảm người xem.

Nhiều phim đồng tính khác ở Việt Nam cũng vậy, dường như tiếng nói của người đồng tính vẫn còn chưa được thẳng thắn…”sờ gáy” tới.

Thế giới người đồng tính phức tạp, phim lại rất đơn giản


“Phim đồng tính kể cả nước ngoài hay trong nước đa số đều khá “bi lụy” vì anh biết đấy, viết hay làm về đồng tính đều chung một hoàn cảnh là nắm bắt theo số phận éo le mà họ phải chịu đó là sự kì thị, khinh miệt và thường là không có hậu ở hồi kết. Nhưng phim Việt Nam đến vấn đề đấy cũng chưa toát ra được.” Hoàng.T, sinh viên năm cuối Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội tâm sự.

Có thể nói, làm phim về đồng tính chẳng phải chuyện dễ, dù hiện tại, vấn đề này đã được cởi mở hơn nhưng “động chạm” tới thì không phải ai cũng để lại tiếng vang. Những năm trở lại đây, đề tài mới được khai thác ở Việt Nam với những khía cạnh khác nhau chứ nhìn về những năm 90 trở lại, tuyệt nhiên sẽ không có phim nào giám công khai về người đồng tính, nếu có thì chỉ bóng gió, “sơ-cua”.

Phim Việt Nam Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng đã dành được tình cảm người xem khi chuyển tải cuộc sống và thông điệp tình cảm của người đồng tính, tuy nhiên phim chưa đi sâu khai thác đề tài này

Làm phim, viết sách về người đồng tính rất khó, vì thế giới của họ với những rung cảm, mặc cảm và hoàn cảnh rất éo le, bản thân những người đồng tính có lúc còn không thể “tự thân” công khai vì sự ngang trái về giới tính, chính vì vậy, thế giới của họ là thế giới cần sự khéo léo, nhân văn thật sự và phải biết truyền thông điệp khi làm phim.

Tuy nhiên, dù thế giới người đồng tính với muôn vẻ phức tạp nhưng suy cho cùng cuộc sống của họ lại giống hệt những người khác. Vì họ cũng làm, cũng khát khao, ước vọng và đặc biệt họ rất có tài. Rất ít phim ở Việt Nam làm về đề tài này có thể truyền tải thông điệp của người đồng tính một cách rộng rãi.

Cùng thời điểm cuối năm 2014, khi bộ phim Để mai tính 2 ra rạp thì Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cũng chính thức trình làng điện ảnh. Hoàn toàn khác với những gì mà khán giả dành cho Để mai tính 2, phim tài liệu được quay suốt 5 năm trời của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm đã biến chị Phụng thành một “hiện tượng” . Vì sao lại vậy, vì chị Phụng đã nói được tiếng nói của người đồng tính, truyền tải được từng khía cạnh của họ. Chính vì vậy, nhiều người đánh giá phim của Thắm nghiêng về “chất” nhiều hơn. Phim cũng dành nhiều giải cao quý tại các liên hoan phim.

Thời gian gần đây, việc cởi mở với tình yêu đồng tính và hôn nhân đồng tính đã được Nhà nước xem xét, ban hành nhiều dự thảo, quyết định “mở đường” cho họ. Điều này cũng “nở rộ” tại các nước khác khi vừa qua, giải thưởng cao quý của ngành điện ảnh là Oscar đã có sự góp mặt của nhiều đề cử với đề tài đồng tính.

Tuy nhiên, để phim Việt Nam đạt được một sự “cởi mở” và chất lượng nhất định mà không bám sâu vào sốc, sex, sến như những bom tấn của nước ngoài đã thành công thì có lẽ sẽ cần một khoảng thời gian khá dài. Trên thực tế, nhiều MV ca nhạc, phim ngắn của các đạo diễn trẻ đã được nhiều người công nhận, đánh giá cao nhưng đó là số ít và rất ít để có thể thay đổi nhìn nhận về điện ảnh.

Suy cho cùng, tiếng nói của người đồng tính vẫn chưa được điện ảnh Việt Nam thật sự quan tâm như những nước khác đã làm. Phải chăng chỉ khi gắn liền với yếu tố giải trí gây cười thiếu chiều sâu và chỉ để câu khách thì những điều thuộc về thế giới thứ 3 mới được triển khai? Nói như thế thì thiếu “nhân văn” lắm! ./.
Hải Dương

Thể thao Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh