Thuế đẩy xăng tăng: Công Thương nói có, Tài chính bảo không
Trái với phân tích của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thuế bảo vệ môi trường làm giá xăng tăng 162 đồng/lít, Bộ Tài chính vẫn khẳng định "không".
Chiều 2/6, Bộ Tài chính lại một lần nữa gửi thông cáo tới các cơ quan báo chí “bảo vệ” quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường lên 300% đối với mặt hàng xăng không tác động tới giá mặt hàng này trong đợt điều chỉnh giá, gần nhất là ngày 20/5 vừa qua.
Khác với những thông cáo trước cũng khẳng định cùng một vấn đề, lần này để “rộng đường dư luận”, Bộ Tài chính đã dẫn một phân tích khá dài và chi tiết việc “cân bằng” giữa tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng.
Theo đó, Bộ này cho biết, ngày 14/4/2015, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng, xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5, B10), dầu hoả từ 35% xuống 20%, dầu diesel từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.
Ngày 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, nhiên liệu bay tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lítl; dầu diesel từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; dầu hoả giữ nguyên là 300 đồng/lít.
Ngày 4/5/2015, thuế nhập khẩu dầu diesel tiếp tục được giảm còn 12% và còn 10% từ ngày 20/5.
Như vậy, trước khi tính tương tác việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thì thuế nhập khẩu 2 mặt hàng xăng, dầu diesel lần lượt là 35% và 30%. Sau 2 lần điều chỉnh, thuế nhập khẩu xăng giảm còn 20% và dầu diesel còn 15%.
Dẫn số liệu giá dầu thô thế giới tại thời điểm 31/5 ở mức 58,68 USD/thùng và thuế BVMT mức mới là 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính giải trình, nếu mặt hàng xăng vẫn giữ thuế nhập khẩu như trước là 35% thì giá cơ sở của mặt hàng xăng tại Việt Nam phải là 23.582 đồng/lít. Nhưng khi thay đổi mức thuế nhập khẩu xăng về 20% thì giá cơ sở thực tế của xăng chỉ là 21.540 đồng/lít.
“Việc giảm thuế nhập khẩu theo tính toán đã giúp giá cơ sở giảm 2.042 đồng. Mức giảm của giá xăng cao hơn mức tăng thuế BVMT là 2.000 đồng/lít (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít). Điều này chứng tỏ việc tăng thuế BVMT từ ngày 1/5 vừa qua không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trong cơ cấu giá cơ sở”, Bộ Tài chính khẳng định.
Thậm chí, trong thông cáo phát đi của mình Bộ Tài chính còn nêu giả thiết, nếu giá xăng dầu thế giới không có biến động lớn, với thuế BVMT theo mức mới áp dụng từ ngày 1/5 và thuế nhập khẩu theo các phương án điều hành nói trên thì giá xăng dầu trong nước còn có thể giảm, đặc biệt đối với giá dầu diesel. “Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới tăng trở lại nên việc giảm thuế nhập khẩu đã làm giảm áp lực tăng giá đối với các mặt hàng này", Bộ Tài chính nhận định.
Tuy nhiên, trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội mới đây sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/5, Bộ trưởng Công Thương đưa ra phân tích và thừa nhận, thuế BVMT tác động khiến giá xăng tăng thêm 162 đồng/lít.
Người đứng đầu ngành công thương lập luận, so với thời điểm trước khi thay đổi hai loại thuế là Nhập khẩu giảm từ 35% về 20% với xăng và tăng 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng chỉ tăng 162 đồng, tương đương 0,8% giá xăng hiện nay (20.430 đồng). Như vậy, việc tăng thuế môi trường làm giá xăng biến động không đáng kể. Đây là con số đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng. “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về con số này”, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn.
Có thể thấy, cùng là cơ quan điều hành giá mặt hàng xăng dầu, nhưng quan điểm của Bộ Công Thương và Tài chính lại “vênh” nhau. Trong khi Bộ Công Thương nói tăng thuế môi trường “có” tác động khiến mặt hàng xăng tăng giá đôi chút, thì Bộ Tài chính vẫn khẳng định “chắc nịch” là “không”.
Tổng cộng từ đầu năm tới nay, xăng đã 3 lần tăng giá với tổng cộng mức tăng tổng cộng 4.750 đồng/lít và riêng trong tháng 5 mặt hàng này đã tăng giá tới 2 lần và cả 2 lần tăng này đều diễn ra sau khi quyết định tăng thuế BVMT thêm 300% đối với xăng có hiệu lực. Qua 2 đợt điều chỉnh trong tháng 5, giá mặt hàng xăng đã tăng thêm 3.150 đồng/lít, hiện giá xăng RON bán lẻ trong nước là 20.430 đồng/lít.
theo zing
Nhận xét
Đăng nhận xét