Ngày xuân đi chợ Bắc Hà

Nằm gọn trong lòng thị trấn Bắc Hà, cách TP. Lào Cai chừng 70km đường bộ, chợ phiên Bắc Hà, phiên chợ truyền thống của người dân tộc vùng cao Lào Cai ngày nay cũng sầm uất, rộn ràng không kém bất cứ khu chợ nào trên dải đất hình chữ S, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về. 
Song cái độc đáo riêng để phiên chợ này níu giữ những bước chân du khách chính là nét văn hoá nguyên sơ, mộc mạc đậm đà bản sắc văn hoá của các dân tộc sinh sống tại mảnh đất này.
 
 Những cô gái dân tộc xuống chợ
 

Ngày hội xuống núi


Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất, sắc màu nhất vùng cao Tây Bắc. Chợ Bắc Hà bao giờ cũng chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật. Người dân đến chợ, ngoài việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, còn là dịp để được gặp gỡ bạn bè, người thân. Đặc biệt chợ Bắc Hà cũng là nơi hẹn hò, để nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả. Với họ, mỗi phiên chợ cũng được xem như là ngày hội xuống núi và phong tục này vẫn duy trì đến ngày nay.

Chợ Bắc Hà ngày nay được chia ra những khu chợ nhỏ với những đặc trưng riêng của sản phẩm hàng hóa trao đổi, bao gồm chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ trâu, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc, chợ rượu... Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.
 
Những gian hàng thổ cẩm rực rỡ màu sắc

Để kịp dự phiên chợ họp duy nhất một lần trong tuần, ngay từ lúc trời còn chưa kịp sáng, nhiều người đã phải xuống núi. Tảng sáng, trên khắp các ngả đường dẫn vào chợ Bắc Hà, người người bắt đầu đổ vào chợ. Đặc biệt, hình ảnh những người phụ nữ H’Mông, Dao, Tày... trong những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu đã làm cho khu chợ rực rỡ sắc màu và vô cùng náo nhiệt.

Chúng tôi may mắn được lên Bắc Hà vào những ngày đầu xuân, khi hoa mận, hoa đào bắt đầu chớm nở trên những triền đồi, triền núi, khi nhà nhà, người người rục rịch chuẩn bị để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới. Chợ phiên Bắc Hà vào những ngày này vì thế cũng đông vui, tấp nập hơn ngày thường.

Ngay từ ngoài cổng chợ đã vô cùng đông đúc. Những người bán hàng đa phần là người dân tộc, ai nấy gùi theo rất nhiều sản vật hoặc hàng hóa phục vụ công việc nhà nông như cày, bừa, hay những đồ vật dùng trong sinh hoạt gia đình như dao, rạ, các loại thực phẩm, rau xanh như thịt, rau cải mèo, các loại củ quả... Dịp cuối năm cũng là thời điểm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khu chợ này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết của khu chợ nổi tiếng miền Tây Bắc, vì thế càng làm cho phiên chợ thêm phần sôi động.
 
Người bán, người mua vui vẻ chuyện trò

Có lẽ ấn tượng nhất với du khách chính là khu chợ bán hàng thổ cẩm do chính tay người dân tộc nơi đây làm ra. Những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống đầy màu sắc được trải, treo khắp các gian hàng. Màu đỏ là màu đặc trưng của trang phục người Dao đỏ, trong khi đó những bộ váy áo xòe hoa của người H’Mông thường sặc sỡ hơn với đủ màu sắc, họa tiết độc đáo. Đi kèm với trang phục là vòng, nhẫn, kiềng được đúc bằng bạc, bằng đồng... với những hình dáng và họa tiết mang đậm bản sắc dân tộc của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng cao Bắc Hà. Khu vực này là điểm ghé thăm của hầu hết những người phụ nữ khi xuống chợ bởi ai cũng muốn sắm cho mình và cho gia đình những bộ váy áo ưng ý để được diện trong những ngày Tết. Những gian hàng này cũng lôi cuốn sự chú ý của rất nhiều khách nước ngoài.


Hương sắc vùng cao


Khu vực bán trâu bò và khu chợ ngựa là điểm nhấn đặc biệt của chợ phiên Bắc Hà. Khác với các khu chợ khác, đây là nơi tập trung nhiều đàn ông hơn cả. Không chỉ người quanh vùng lên Bắc Hà mua trâu, mua ngựa, chúng tôi thấy có nhiều lái trâu dưới xuôi cũng đánh xe về chợ tìm mua. Theo người dân nơi đây, những thương lái người Trung Quốc cũng xuống mua trâu ở chợ. Được biết, số trâu này sẽ được chở ngược lên Xi Ma Cai sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với những người đàn ông, khu vực hấp dẫn nhất là chợ rượu với hàng trăm can rượu ngô chờ được thử, được mang về nhà. Rượu ngô Bản Phố cũng là đặc sản nức tiếng gần xa của vùng cao Bắc Hà.

Đến chợ Bắc Hà không thể không ghé khu chợ ẩm thực, nơi những chiếc chảo thắng cố lúc nào cũng nghi ngút khói, nơi những chum rượu lúc nào cũng sóng sánh men say, nơi người miền xuôi hay miền ngược cũng đều lạ thành quen, cùng hòa vào nhau bên bát rượu ngô nồng ấm, thơm phức. Người ta nói, rượu ngô bản Phố uống tại chợ Bắc Hà dường như ngon hơn, cái cảm giác chông chênh, chếnh choáng dường như cũng dễ chịu hơn, không sắc như rượu nếp dưới xuôi.
 
Khu chợ trâu đông đúc

Cảm giác ấn tượng nhất với chúng tôi chính là cái cách mà người dân nơi đây mua bán thật đặc biệt. Không giống với miền xuôi, việc mua bán ở chợ Bắc Hà hầu như vẫn còn theo lối buôn bán của người xưa. Người mua, kẻ bán thoải mái xem xét, lựa chọn và mặc cả. Người bán hàng thường không nặng về mời chào, nói thách, nếu thấy “ưng cái bụng” là bán. Nếu không phải là những khuôn mặt chân chất, thật thà, những nụ cười hồn hậu, thì chúng ta cũng bắt gặp ở họ cái vẻ an nhiên, tĩnh tại và điều đó đem lại cho du khách cảm giác thật thoải mái, thân thiết như đang đi giữa chợ quê mình. Và cũng chính vì thế nên từ sáng đến chiều, cả phiên chợ gần như không hề nghe thấy một tiếng cãi cọ, to tiếng.

Điều này có lẽ vì người ta đến chợ ngoài việc mua bán, dường như cũng là để được sống, được chìm đắm trong cái không gian mộc mạc, ấm áp, để được hít hà hương vị của các sản vật vùng cao như mùi rượu ngô, mùi mèn mén, mùi thắng cố, hoa quế, hoa hồi, được “no con mắt” trước những màu sắc hấp dẫn của xôi ngũ sắc, những chiếc bánh dày xanh, tím được làm từ lá cẩm, lá cây rừng, được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại.

Có quá nhiều thứ níu kéo bước chân khi rời Bắc Hà về xuôi. Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, nụ cười thân thiện, ánh mắt hồn hậu của người dân ta gặp trên đường, dưới chợ, sự ấm áp, náo nhiệt của chợ phiên... tất cả tạo nên cảm giác thương nhớ, bịn rịn khôn nguôi trong lòng du khách.

Báo Hải Quan/ Báo Du lịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh