Vụ Cát Tường: Thi thể mục rũa 'nói' được điều gì?
Một thi thể đã mục rũa sau 9 tháng tử nạn, liệu có thể lưu trữ những thông tin về nguyên nhân cái chết?
Đây là câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra, và cũng là thách thức không nhỏ của các điều tra viên trong vụ án ở Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Sau khi Cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP. Hà Nội chính thức xác nhận đã tìm thấy thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát tường) sau hơn 09 tháng tìm kiếm. Dấu hỏi mà người dân quan tâm là liệu việc tìm thấy xác chị Huyền có thể xác định được chết trước hay chết sau khi bị vứt xuống sông?
Việc xác định nạn nhân chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông rất quan trọng. Luật sư Nguyễn Hồng Hà – Văn phòng Luật Hoàng Giao cho biết, việc xác định nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền chết trước hay sau khi bị ném xuống sông sẽ liên quan đến việc định tội danh với hung thủ vụ án - Nguyễn Mạnh Tường- chủ cơ sở thẩm mỹ Cát Tường.
Nếu chị Huyền chết trước khi bị ném xuống sông thì cái chết của chị chỉ là tình tiết định tội trong tội danh vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS). Nếu chị Huyền chết sau khi bị ném xuống sông thì hành vi của bác sỹ thẩm mỹ viện trên là hành vi giết người.
"Đến thời điểm này đã nhiều tháng trôi qua, rất khó để đảm bảo cho sự tồn tại của những mẫu vật giám định. Điều này đồng nghĩa với việc chi tiết tối quan trọng không thể chứng minh. Nếu không có căn cứ xác định nguyên nhân cái chết, việc tìm thấy thi thể chị Huyền chỉ còn đảm bảo về nhu cầu tâm linh, không có giá trị tố tụng. Kẻ thủ ác sẽ không phải chịu đúng với tội danh mà chúng phải nhận." - luật sư nói.
Theo phân tích của luật sư, trường hợp giám định chứng minh thi thể của nạn nhân Huyền chết do bị ngạt nước, tức là nạn nhân chưa tử vong trước khi bị ném xuống sông, khả năng cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh của Nguyễn Mạnh Tường và đồng phạm sang tội Giết người.
Nếu Tường bị kết luận tội Giết người, hàng loạt đối tượng liên quan sẽ bị điều tra về hai nhóm tội: Che dấu tội phạm và Không tố giác tội phạm. Và tất nhiên, Đào Quang Khánh cũng sẽ được thay đổi tội danh. Bà Nguyễn Thị Hằng - vợ Nguyễn Mạnh Tường - người có mặt trong hành trình ném xác nạn nhân chắc chắn cũng sẽ không thể vô can như hiện nay.
Bên cạnh đó, một giả thuyết khác là nếu kết quả giám định xác định nạn nhân bị ném xuống sông mới chết do ngạt nước, thì thi thể chị Huyền bị mất đầu, tay, chân… là do nguyên nhân nào. Luật sư Hà cho rằng với những tình tiết mới này cơ quan điều tra sẽ phải điều tra lại toàn bộ vụ án.
Điều này có nghĩa rằng nếu những nỗ lực tìm kiếm của thân nhân chị Huyền có kết quả thì vẫn có thể có căn cứ khoa học, tố tụng để xác định tội danh của Nguyễn Mạnh Tường chính xác. Điều này sẽ giúp cho vụ án được xử lý đúng người, đúng tội.
Ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (Hà Nội) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường làm phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, nâng ngực. Sau ca phẫu thuật do bác sĩ Tường cùng 3 nhân viên y tá thực hiện, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Dù được bác sĩ Tường đặt ống thở, tiêm thuốc trợ tim nhưng chị Huyền vẫn tử vong.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng và bảo vệ Đào Quang Khánh đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đến Bệnh viện Bưu Điện (Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội). Khánh cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo sau xe ô tô của Tường. Khi đến cổng bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có đông người và xác chị Huyền đã bị cứng nên Tường sợ lộ, không đi vào trong bệnh viện mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa, mà ném xác xuống sông.
Tường đồng ý và lái xe ô tô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở chị Hằng (vợ Tường) theo sau.Xe ô tô của Tường chạy theo đường Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lạc Trung - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy đến đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) thì Khánh đi xe máy vượt lên ngang với xe ô tô của Tường, ra hiệu cho Tường dừng xe lại. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng chị Hằng lên xe ô tô của Tường (ngồi ghế phụ trước).
Chị Hằng có can ngăn Tường không được vứt xác chị Huyền, nhưng Tường không nghe, Tường tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì, qua vị trí có nước khoảng 150m, gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy không có xe và người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền ra khỏi xe ô tô, đi qua giải phân cách, nâng xác chị Huyền qua thành cầu rồi thả xuống sông Hồng. Sau đó, Tường, Khánh và Hằng lên ô tô đi về nhà. Ngày 21/10/2013, Tường và Khánh bị cơ quan điều tra bắt giữ.
(Nguồn: Pháp luật VN)
Báo Đất Việt
Nhận xét
Đăng nhận xét