Tà Cú, nơi có tượng Phật Thích Ca Niết bàn dài nhất châu Á
Nằm ven quốc lộ 1 A thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách TP Phan Thiết 28km về phía Nam. Tà Cú là ngọn núi dài nhất châu Á có đỉnh cao 649 m so với mặt nước biển. Nơi đây có phong cảnh hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi đủ hình dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng …tất cả tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ.
Tà Cú được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm không khí trong lành, mát mẻ, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí mát lạnh hấp dẫn trong mùa hè. Phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng làm cho chùa Núi càng thêm nổi tiếng.
Chùa núi Tà Cú hay còn gọi là Chùa Núi là một thắng cảnh đẹp với đầy đủ các hạng mục của thiên tạo và nhân tạo. Đến với Chùa Núi du khách không những được thưởng ngọn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc tại chùa. Nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m, cao 7m từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là tượng Phật Thích Ca Niết bàn dài nhất Việt Nam và Tổ chức kỷ lục Châu Á xác lập là tượng Phật Thích Ca Niết bàn trên núi dài nhất châu Á. Tác phẩm do kỹ sư Trương Định Ý xây dựng năm 1962. Và nhóm tượng Tam Thế Phật: A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí, cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian như để sẵn sàng cứu nhân độ thế. Di tích Chùa Núi Tà Cú được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 11/9/1993.
Xưa kia, Núi Tà Cú là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt để chữa một số bệnh.
Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).
Trước đây khi chưa có hệ thống cáp treo, khách hành hương hay vãn cảnh chùa phải vượt qua hàng ngàn bậc tam cấp với đoạn đường ngoằn ngoèo giữa rừng già có nhiều đoạn dốc đá chênh vênh. Điều thú vị là bên những con đường ngoằn nghèo giữa khu rừng hoang sơ ấy du khách lại cảm thấy gần gũi khi nghe tiếng nước chảy róc rách từ khe đá hoặc tiếng chim hót véo von giữa đại ngàn…Với hệ thống cáp treo ngày nay, du khách sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác bồng bềnh cùng mây núi, ngắm cảnh rừng cây nguyên sinh bên lưng núi hay những vườn cây Thanh long bạt ngàn lượn mình theo quốc lộ 1A.
Khánh Chi (TTVN)
Nhận xét
Đăng nhận xét