nữ hoàng sầu muộn Giao Linh: Người đẹp đi hát và... bán phở
Chẳng mấy ai nghĩ, con gái của bà bán phở lại có ngày trở thành nghệ sỹ, mà lại là nghệ sỹ nổi tiếng, thành danh và được triệu triệu người mến mộ.
Nhớ lại những năm trước đây, khi còn sống tại Sài Gòn, Giao Linh thường xuyên phụ giúp mẹ bán phở. Nhưng cô con gái người bán phở lại yêu đắm đuối ánh đèn sân khấu, những tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, những bó hoa tặng cho ca sỹ. Ánh đèn sân khấu như có một sức hút vô hình nào đó quyến rũ cô bé Sinh thuở ấy.
Giao Linh nhớ lại: "Nhiều khi dậy sớm phụ mẹ bán phở mà tôi cứ ngân nga hát. Tôi hát một cách say mê như mình đang ở những cuộc sinh hoạt văn nghệ, hay những cuộc biểu diễn văn nghệ của trường lớp". Ngày ấy, trong số những khách đến ăn phở quán nhà Giao Linh cũng có những người để ý, yêu mến giọng hát của cô bé Sinh hồn nhiên, nhí nhảnh để rồi mong một ngày được nghe giọng ca ấy trên những sân khấu chuyên nghiệp của Sài Gòn.
\
"Nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh.
Hoàn cảnh của những ca sỹ trước những năm 1975 đa phần là khó khăn, vì chẳng ai muốn theo kiếp cầm ca, "xướng ca vô loài" mà xã hội khi ấy không mấy coi trọng. Như Thanh Thuý vì nghèo khổ, mẹ đau ốm nặng, em còn nhỏ mà phải dấn thân vào chốn phòng trà ca nhạc, còn Giao Linh hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn là điểm chung của thời ấy.
"Ba má Giao Linh là người nhập cư, ba tôi người Phủ Lý (Hà Nam), má người Quảng Bình dắt díu nhau nhập cư tại Sài Gòn. Tôi lớn lên trong một gia đình không khá giả gì nhưng ba má cũng cố gắng làm để con có một đời sống thoải mái", Giao Linh mang chút buồn trong giọng nói truyền cảm nhớ lại.
Trước đây, khi ở Canada gia đình Giao Linh cũng có tiệm phở. Mở tiệm bán phở là nghề gia truyền của gia đình nghệ sỹ Giao Linh. Từ hồi Giao Linh lớn lên, má đã có tiệm phở, các anh chị em Giao Linh đã gắn bó với nó mấy chục năm rồi. Cửa hàng của gia đình Giao Linh ở phố Nguyễn Kim cũng khá nổi tiếng, sau này bà để lại cho con dâu và cùng gia đình sang định cư tại Canada.
"Ba má tôi đều mất ở nước ngoài hết. Mấy cô em gái lại tiếp tục nghề của má, mở tiệm phở tại Canada”. Quán phở của chị em Giao Linh khá nổi tiếng tại Toronto. Cứ đến thành phố này, gặp người Việt Nam nào hỏi tiệm phở của chị em Giao Linh ai cũng biết. Có khách ở New York sang không biết đường, gặp người Việt hỏi thăm cũng đến được tiệm phở. Đây cũng là nghề nuôi sống cả gia đình.
Khi sang định cư ở nước ngoài, cuộc sống của Giao Linh cũng khó khăn nhiều. Đầu tiên chị cũng phải tìm việc làm. "Tôi may mắn có nghề hát nên tiếp tục đi hát, nhưng mấy người em phải đi làm ở xưởng với mức lương ba cọc ba đồng. Mấy chị em bàn với nhau, tiếp tục nghề của má kinh doanh hàng ăn và cũng nổi tiếng".
Gương mặt của Giao Linh qua thời gian đã thay đổi nhiều nhưng giọng hát của bà vẫn đầy mê hoặc.
Về Việt Nam, Giao Linh cũng đã mở quán phở… nhưng rồi nhiều người còn yêu mến giọng hát của "Nữ hoàng sầu muộn" nên không kham nổi việc kinh doanh, Giao Linh dẹp quán phở để tập trung cho âm nhạc.
May mắn đến với cô con gái của người bán phở, một gia đình chẳng có chút gì liên quan đến nghệ thuật, ấy là khi cô bé Sinh đi hát và được "chấm điểm". Trong sâu thẳm tâm hồn Giao Linh, chị vẫn thầm nhắc và biết ơn đến hai người cho chị cuộc sống ngày hôm nay. Một là người mẹ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, thức khuya, dậy sớm đong những vất vả bằng những bát phở để nuôi lớn và cho chị đi học. Người thứ hai là những người thầy, nhạc sỹ Hồ Thu, nhạc sỹ Nguyễn Văn Long đã làm nhịp cầu nối đưa chị đến với khán giả để được yêu mến cho đến bây giờ.
Chị tâm sự: "Tôi lớn lên trong tình thương của gia đình dù không giàu có nên nghĩ mình lớn rồi phải một tay phụ giúp gia đình. Tôi có năng khiếu ca hát, nhạc sỹ Nguyễn Văn Long cho đi hát, lăng-xê để nổi danh. Ngày ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản đi hát để có tiền đưa phụ thêm cho gia đình nhưng năm tháng trôi đi, giờ đây được khán giả đón nhận nhất là khi đã có tuổi thì tôi càng biết ơn các thầy nhiều lắm".
Khánh Nguyên
Người Đưa Tin
Nhận xét
Đăng nhận xét