Những kẻ nhẫn tâm lừa người xin việc ở Sài Gòn

Vì thiếu thông tin, cần tiền, nhiều người, nhất là những người từ các tỉnh lẻ đến TP.HCM xin việc dễ sập bẫy bọn bất lương.

Cạm bẫy “cò” trên đường xin việc

Dọc các con đường, ngõ hẻm tại TP.HCM, tờ rơi, quảng cáo tuyển lao động bốc vác lương cao được dán nhan nhản trên bờ tường, trụ điện, nhà chờ xe buýt. Lột một tờ rơi, chúng tôi gọi cho số điện thoại 0965872487 của người đàn ông tên Tài, xin bán sức lao động. Qua điện thoại, Tài phổ biến: “Bên anh bốc xếp các loại như đường, sữa và các sản phẩm nông sản đóng thùng. Khối lượng hàng nặng từ 20 kg đến 50 kg. Một ngày làm 8 tiếng, sau mỗi tiếng được nghỉ mười phút. Lương từ 370 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng/ngày. Sáng làm, chiều nhận lương, bao ở lại”.

Chúng tôi nói không có hồ sơ, ảnh thẻ, chỉ có CMND photocopy có nhận không, Tài đồng ý. Trước khi đi, anh ta dặn đi dặn lại: “Nhớ mang theo 300 ngàn đồng để khi vào làm, bên anh sẽ mua cho em hai bộ quần áo, một đôi giày bảo hộ và một thẻ bảo hiểm lao động”.

Theo lời hẹn, chiều 22/7/2014, Tài liên tục gọi điện giục chúng tôi đến cầu vượt An Sương. Đến nơi, Tài hứa “sẽ cho người ra đón liền”. Trong lúc chờ người của Tài, chúng tôi được một người đàn ông trung niên tên Hoàng, ăn mặc khá lịch sự bắt chuyện: “Tìm việc hả?”. Không đợi chúng tôi trả lời, Hoàng huyên thuyên: “Muốn tìm việc, đây giới thiệu cho. Rửa xe, lương 2,5 triệu đồng/tháng, giữ xe 3,2 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Đây chỉ lấy tiền xe ôm, không lấy phí giới thiệu đâu mà lo”. Chúng tôi nói có hẹn với mấy người tuyển dụng rồi. Hoàng bắt giò: “Làm bốc vác chứ gì?”. “Sao anh biết?”, chúng tôi hỏi.

Hoàng khoát tay: “Chú mày đi làm được, mất gì anh cũng chịu”. Dứt lời, anh ta xổ một “tràng” tuyển dụng y chang lời Tài nói với chúng tôi qua điện thoại. Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh ta dịu giọng: “Đừng nghe bọn nó, theo anh đi”. Thấy chúng tôi vẻ quê mùa, chị bán thuốc lá bên đường nhéo vào tay thì thầm: Coi chừng dính bẫy “cò lao động”. Chúng tôi chần chừ thì một thanh niên trạc 23 - 25 tuổi, chở người xin việc tên Cảnh (quê Đắk Lắk) trên chiếc xe máy cùi bắp trờ tới: “Chỗ anh Tài phải không?”, chúng tôi gật đầu.


















Hàng ngày, vẫn có hàng chục người dính bẫy“cò” lao động.

Gã thanh niên chở chúng tôi đến căn phòng rộng chừng 20 m2 (tạm gọi là văn phòng) nằm cạnh cầu vượt An Sương. Bên trong có một phụ nữ và một đàn ông trên 30 tuổi ngồi sau hai chiếc bàn cũ kỹ. Phía bức tường sau lưng treo tấm bảng “Công ty Thuận Phát”. Lúc chúng tôi đến có năm thanh niên đang chờ phỏng vấn. Người đàn ông tên Cường ngoắc chúng tôi hỏi qua loa vài chuyện. Anh ta tiếp tục văng ra một “bản tình ca” tuyển dụng y như lời Tài. Chúng tôi nói “chỉ còn CMND photocopy có nhận không?”.

Cường bảo: “Không thành vấn đề. Đóng đủ tiền là được”. Trong khi chúng tôi chỉ có một CMND photocoppy và đóng đủ 300 ngàn đồng thì được tuyển, còn một vài người đi cùng có đầy đủ giấy tờ nhưng không đủ tiền liền bị Cường từ chối. Trước đó, đồng nghiệp chúng tôi nói “bị mất ví, không còn giấy tờ” nhưng đóng đủ 300 ngàn đồng vẫn được Cường giải quyết “cái rẹc”.

Cường đưa cho chúng tôi một “hợp đồng (HĐ) khoán việc”. Nội dung: “Bên A: Công ty TNHH DVTM vận chuyển hàng hóa Thuận Phát (bên khoán việc). Đại diện bởi: Quách Nam Cường. Bên B: Bên nhận khoán việc (người lao động)”. HĐ không ghi rõ địa chỉ, email, số điện thoại của công ty này. Cường giải thích: “300 ngàn đồng này là tiền đặt cọc. Sau mười ngày làm việc, người lao động sẽ được trả lại tiền cọc, công ty bao ăn ở”.

Cường lật tờ HĐ ghi số điện thoại của Tài và Tuấn dặn: “Đón xe buýt số 33 về chợ Tam Hải (quận Thủ Đức), sau đó gọi điện cho hai người này ra đón”. Chúng tôi được gã thanh niên chở ra Bến xe An Sương. Gã bảo phải trả 25 ngàn đồng xe ôm cho quãng đường chưa đầy 1 km.


Không một mảnh giấy lận lưng nhưng nếu đóng đủ 300 ngàn đồng sẽ được Cường giải quyết đi làm.

Về chợ Tam Hải, chúng tôi gọi gần cả chục cuộc điện thoại cho Tài thì Tài bảo “đang bận”, gọi cho Tuấn, Tuấn hẹn “lát cho người đến chở”. Trong lúc đợi, chúng tôi được hai gã đàn ông đến hỏi “có cần xin việc không?”, chúng tôi nói: “xin rồi, đang đợi nhân viên công ty ra đón”. Hai người đàn ông cười khẩy: “Toàn là tụi lừa đảo chứ có nhân viên nào đón tụi mày? Đưa đây hai “xị” (200 ngàn đồng), tụi này xin việc cho”.

Ngồi đợi gần tiếng đồng hồ, chúng tôi chẳng thấy tăm hơi bất kỳ nhân viên nào. Cảnh lộ rõ tâm trạng lo lắng: “Có khi nào bị lừa không anh?”. Cảnh tâm sự: “Em đang làm ở Bình Dương thì bị thất nghiệp. Mấy hôm trước lên mạng thấy tuyển dụng bốc vác lương cao, em mượn bà chị họ vài “xị” (vài trăm ngàn đồng) đi xin việc. Hôm nay đi lòng vòng, ăn cơm, đóng tiền cọc hết 480 ngàn, giờ bị lừa, chắc em cắn lưỡi quá!”.

Gần 16h, chúng tôi được một gã đàn ông khoảng 40 tuổi, người nhỏ thó, tên Út chạy xe đến hỏi: “Làm cho Tài hả?”, Cảnh mừng rỡ gật đầu. Út ra hiệu lên xe để anh ta chở vào chỗ làm. Luồn qua cầu vượt Sóng Thần, chúng tôi hỏi: “Anh là nhân viên của công ty à?”. Út nói cộc lốc: “Không, xe ôm”, rồi rồ ga cúp đầu qua từng chiếc container chở chúng tôi đến tổng kho Sacombank thuộc KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Út chở chúng tôi đến chỗ đặt hai bồn nước của tổng kho này.


Người lao động bị bọn “cò” nhồi nhét trong một “chuồng trọ”dơ dáy, chật chội.

Mặc dù từ chợ Tam Hải vào kho cỡ 5 km nhưng vừa bỏ chúng tôi xuống, Út “vặt” ngay mỗi người 40 ngàn đồng. Chúng tôi chưa hết méo mặt thì Trung (quê Thanh Hóa - một học sinh vừa thi đại học xong xin bốc vác trước chúng tôi) thì thầm: “Như vậy vẫn còn may. Hôm bữa, gã Út chở em giữa chừng thì bỏ xuống. Hắn “chặt” em 30 ngàn rồi hú đồng đội đến “sang độ”. Vì sợ bị lừa nên đi một đoạn là em hỏi đường. Lúc vào đây, ngoài việc mất 25 ngàn đồng xe ôm, em còn bị “bóp cổ” 30 ngàn đồng “phí” hỏi đường”. Út ngồi độ năm phút thì có điện thoại của người xin việc mới gọi ra đón. Hắn cười hớn hở: “Hôm nay “dzô kèo”, chiều giờ kiếm được chục cuốc rồi”. Trung bình mỗi cuốc 40 ngàn đồng, hôm nào cũng như chiều nay thì mỗi ngày anh ta kiếm tiền triệu khỏe re.

Dưới chân hai bồn nước là đống rác to tướng và một chuồng gà đá có cỡ chục con. Cạnh đó là một căn nhà cấp bốn tuềnh toàng gồm hai phòng. Chúng tôi được một tên răng hô, tóc nhuộm đỏ tên “Út đĩ” dẫn vào phòng bên phải gặp gã thanh niên mặc áo đen trông mập mạp, bặm trợn. Căn phòng luộm thuộm nặng mùi. Cạnh gã là một sòng bài có sáu thanh niên đang hăng máu sát phạt. Xung quanh có khoảng bốn năm gã khác nằm ngồi vật vưỡng. Tên nào tên nấy xăm trổ đầy mình.

Gã mặc áo đen xòe tay: “Đưa HĐ khoán việc đây!”. Gã lấy tờ HĐ rồi phán: “Cái này tao giữ”. Gã bảo chúng tôi đưa CMND và “cắn” thêm 40 ngàn tiền đăng ký tạm trú. Cảnh dốc sạch túi còn 20 ngàn đồng, nhưng vẫn bị gã móc không còn một xu. Như vậy, làm việc lương cao ở đâu chưa biết nhưng để được gia nhập vào “đội quân” bốc vác, chúng tôi đã bị “cứa” mất 410 ngàn đồng cho đủ kiểu lệ phí do bọn “cò” đặt ra.


Long được giới thiệu là “giám đốc” của nhiều công ty nhưng thực chất là “cò” việc.

Lúc tuyển dụng, cả Tài và Cường hứa công ty bao ăn, ở cho người lao động nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Lấy tiền xong, gã mặc áo đen nói chúng tôi ngồi đợi để hắn gọi người chở về phòng trọ, hắn tiếp tục quay lại đánh bài. Chúng tôi ngồi đợi hơn 30 phút nhưng chẳng thấy ai tới đón. Gã mặc áo đen bảo chúng tôi và Cảnh qua phòng bên cạnh chờ.

Căn phòng rộng chừng 20m2 nhưng có hơn 20 người chen chúc nhau. Kẻ nằm người ngồi, ai nấy đều uể oải. Dưới sàn, có gần 40 cái ba lô của người xin việc chất thành đống. Trước cửa phòng có khoảng 15 người đứng, ngồi thấp thỏm. Vừa bước vào phòng, chúng tôi suýt dội ngược trở ra vì mùi thuốc lá, mùi hố ga, cống rãnh, mùi khai của nhà vệ sinh quyện với mồ hôi do có người ba ngày không tắm giặt khiến chúng tôi phát ói. Có lẽ, nhìn những “đồng nghiệp” bị nhồi nhét lúc nhúc trong cái “chuồng trọ” chẳng khác nào trại tỵ nạn nên nhiều người đặt balô xuống ngồi chưa ấm chỗ đã vội bỏ của chạy lấy người.

Những người vào đây lâu cho biết, mỗi ngày có trên dưới 50 người vào xin việc thì cũng ngần ấy người phải ấm ức quay về. Người bám trụ lại đa phần không còn một xu dính túi. Họ buộc phải bán sức lao động để mong kiếm đồng tiền nuôi bản thân, giúp gia đình, nhưng họ đâu biết rằng mình đang trở thành con mồi của bọn lừa đảo. Do công tác tuyển dụng quá sơ sài, ai dám chắc không ít kẻ vào đây là thành phần trộm cắp, trốn tiền án, tiền sự. Tính trung bình mỗi người mất 400 ngàn đồng thì mỗi tháng bọn lừa đảo kiếm không dưới 600 triệu đồng phí xin việc từ tay những người lao động tội nghiệp.

Đến bữa ăn, người nào còn ít tiền thì lộc cộc ra kiếm dĩa cơm rẻ tiền, mua gói mì tôm nhai sống dằn bụng. Người không còn đồng nào thì ngửa tay mượn bạn bè, cầm cố cà vẹt xe, điện thoại, gọi về nhà nhờ gia đình trợ giúp hoặc đành ngậm ngùi nhịn đói. Túng quá thì chôm đồ của nhau.

Chúng tôi ra khỏi kho Sacombank để đi ăn liền được một người đàn ông tầm 55 tuổi bám theo làu bàu: “Mấy em vào đó là trúng “ổ” bọn lừa đảo rồi. Làm gì có chuyện mỗi ngày bốc vác được ba trăm rưỡi đến bốn trăm ngàn đồng? Chỉ có ba, bốn kho hàng, mỗi ngày tuyển bốn, năm chục người, hàng đâu ra mà vác? Bây giờ theo tui, tui điện thoại cho ông này là “giám đốc” rất nhiều công ty. Muốn làm giày da, điện tử, đá lạnh, chăn nuôi, trồng trọt... việc gì cũng có”.

Nói là làm, người đàn ông liền gọi điện cho ai đó. Khoảng mười phút sau, một người tự xưng tên Long, trạc 50 tuổi, mặc đồ khá lịch sự đến chỗ chúng tôi. Ông ta ba hoa về đủ thứ việc làm thuê tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ai đồng ý đi làm, ông ta cho ứng trước 50 ngàn đồng tiền cơm và “nổ” sẽ điều xe “công ty” đến đón, nhưng khi có năm thanh niên đồng ý thì ông ta gọi xe ôm tống ba ra Quốc lộ 1A đón xe buýt về chỗ làm. Chị H. - chủ quán nước trước cổng kho Sacombank - lắc đầu: “Cứ vài ngày hai tên “cò” này lại về đây “hốt” một mớ. Dẫn được một người, bọn chúng lấy của chủ sử dụng lao động ba “xị”, chỉ tội cho mấy người đi xin việc thôi”.

Zing

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh