5 lễ hội không dành cho người yếu bóng vía
Lễ hội người chết tại Mexico, lễ hội Kukeri ở Bulgaria hay lễ hội Bon Kan Ben, Campuchia… đều là những lễ hội ma quỷ khiến người yếu bóng vía phải rùng mình.
Lễ hội người chết tại Mexico, lễ hội Kukeri ở Bulgaria hay lễ hội Bon Kan Ben, Campuchia… đều là những lễ hội ma quỷ khiến người yếu bóng vía phải rùng mình. Song, ý nghĩa của tất cả những lễ hội này đều nhằm tưởng nhớ tới linh hồn những người thân đã khuất.
Lễ hội Día de Muertos, Mexico
Lễ hội người chết tại Mexico (Dia de los Muertos) được tổ chức trong hai ngày 1 và 2 tháng 11 hàng năm.
Nếu như lễ hội Halloween nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của nó phủ khắp thế giới thì Dia de Los Muertos có khuôn khổ nhỏ hơn. Không vì vậy mà qui mô của nó kém phần hoành tráng, bởi đây là ngày mà toàn bộ các nước Châu Mỹ La tin và nói tiếng Tây Ban Nha tổ chức kỉ niệm. Và mặc dù có cùng một nội dung là ngày dành để tưởng nhớ những người chết nhưng Dia de Los Muertos lại có những hương vị riêng rất độc đáo và đậm chất Latin.
Vào ngày này, người dân Mexico đi thăm mộ những người thân đã khuất và tặng linh hồn quá cố những hộp sọ làm từ đường, hoa cúc vạn thọ, đồ ăn yêu thích của họ khi còn sống. Người dân nơi đây tin rằng làm như vậy sẽ thu hút được các linh hồn trở về dương gian và nghe được những lời cầu nguyện của người còn sống.
Lễ hội Kukeri ở Bulgaria
Kukeri là một nghi lễ cổ xưa truyền thống của Bulgaria, ra đời từ thời Thracia cổ đại, nhằm thể hiện sự tôn thờ với vị thần Dionysus – thần bảo hộ cho xứ sở, cũng là thần rượu nho, thần sinh sản và tái sinh trong thần thoại.
Những người đàn ông mặc trang phục đặc biệt thực hiện nghi lễ xua đuổi linh hồn ma quỷ. Trang phục che phủ hầu hết cơ thể bao gồm cả mặt nạ gỗ trang trí hình động vật và chiếc chuông lớn đeo ở thắt lưng.
Thường vào năm mới và trước Mùa Chay, các kukeri diễu hành và nhảy múa quanh làng để dọa linh hồn ma quỷ với trang phục này cùng âm thanh của tiếng chuông, để đảm bảo một mùa thu hoạch bội thu, sức khỏe, và hạnh phúc cho cả làng trong suốt năm.
Lễ hội Obon, Nhật Bản
Obon là dạng viết tắt của Ullambana, có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là “treo ngược lên” và dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng vào ngày này những người chết có thể thoát khỏi cảnh khổ cực của việc bị treo ngược lên dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm.
Lễ hội Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Lễ hội này dược tổ vào ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ những người thân đã qua đời.
Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.
Lễ hội Bon Kan Ben, Campuchia
Bon Kan Ben là một lễ hội tôn giáo đặc trưng của người Campuchia. Nó thường kéo dài 15 ngày trong tháng 10 theo lịch của người Khmer. Đây là dịp người Campuchia thể hiện lòng biết ơn đối với những linh hồn người thân đã quá cố.
Theo truyền thống, người Campuchia tin rằng, mỗi năm, cánh cửa địa ngục lại được mở ra một lần. Khi đó, các linh hồn, bóng ma tổ tiên 7 đời trước sẽ trở về nhân gian. Do đó, vào dịp ấy, người ta tổ chức lễ hội này, sửa soạn đồ ăn, thực phẩm để cúng tế cho các ngôi chùa, để các nhà sư cầu siêu cho những hồn ma "vơ vưởng" ngoài đường, tăng công đức giúp tổ tiên sớm được siêu thoát, tái sinh trong kiếp khác.
Ngày quan trọng nhất của lễ hội chính là lễ Pchum Ben. Đây là ngày được cho là cửa địa ngục sẽ mở. Do đó, tại các chùa, tất cả nhà sư sẽ tụng kinh theo tiếng Pali liên tục qua đêm mà không ngủ, nhằm cầu phúc cho các linh hồn quá cố.
Lễ hội Gaijatra, Nepal
Lễ hội Gaijatra là sự kết hợp giữa truyền thống cổ đại và những hình thức biểu diễn do vua Pratap thêm vào. Tuy nhiên, về cơ bản thì lễ Gaijatra nhằm tưởng nhớ những người chết trong suốt một năm vừa qua.
Trong lễ hội, người ta sẽ tổ chức đoàn bò diễu hành - bởi con bò là con vật linh thiêng nhất trong Ấn Độ giáo. Mỗi con bò tượng trưng cho một người đã khuất, gia đình nào không có bò có thể thay bằng một bé trai.
Vào cuối buổi diễu hành, mọi người tham gia lễ hội sẽ hóa trang và đeo mặt nạ. Họ hát, nói đùa, trêu trọc lẫn nhau và cùng cười vui vẻ theo đúng những tập tục được vua Pratap thêm vào khi xưa.
(Theo Dân trí)
Nhận xét
Đăng nhận xét