Tổng Cục trưởng Đường bộ: " Đã đi xe trên đường thì phải đóng phí "

“Không đóng phí thì lấy đâu ra tiền để bảo trì đường bộ? Khi đã đi xe trên đường, đã tham gia giao thông thì phải đóng phí chứ!”.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện đã đưa ra ý kiến trên với phóng viên Báo điện tử Infonet trước những ý kiến đề nghị không nên thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện mô tô, xe máy.


Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, các phương tiện đã tham gia giao thông thì phải đóng phí.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia giao thông cho rằng, chỉ nên thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, còn không nên thu phí đối với phương tiện mô tô và xe máy. Lý do được đưa ra là nếu có thu phí đối với xe máy thì mức thu được cũng chẳng đáng là bao, mà lại phải mất nhiều nguồn lực để thực hiện công việc này. Kết quả thu trong năm đầu đã cho thấy điều đó, khi số tiền thu được đạt rất thấp.

Một lý do khác, đường hư hỏng xuống cấp chủ yếu bắt nguồn từ ô tô, còn đối với mô tô, xe máy chỉ là loại phương tiện nhỏ, tải trọng thấp, ít gây ảnh hưởng.

“Do phương tiện công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, người dân mới phải đi lại bằng xe máy. Người đi xe máy không dư giả về kinh tế như người đi ô tô, mà đa phần lại là đối tượng lao động vất vả. Trước kia chúng ta từng thu phí xe máy qua các trạm thu phí, rồi sau đó dừng lại. Bây giờ chúng ta cũng cần cân nhắc xem có nên thu phí tiếp hay dừng lại. Tôi cho rằng, dừng thu phí với mô tô, xe máy là hợp tình, hợp lý” – TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.

Hà Nội là một trong những tỉnh, thành có số lượng phương tiện nhiều nhất trên cả nước, với khoảng 4,5 triệu chiếc xe máy. Hà Nội cũng đi tiên phong trong việc thu phí bảo trì đường bộ, song trên thực tế kết quả thu được từ xe máy lại hết sức khiêm tốn. Thậm chí có nhiều quận, huyện trong cả một năm mà chẳng nộp cho nguồn quỹ một đồng nào.

Để cải thiện tình hình trong năm 2014, Hà Nội đã phải giao chỉ tiêu cụ thể tới từng quận, huyện. Đơn vị nào không hoàn thành chỉ tiêu, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Hà Nội còn kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT áp dụng những chế tài cụ thể đối với những trường hợp cố tình chây ì không đóng phí đường bộ. 

Với mức chỉ tiêu được giao khá cao, song khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số quận, huyện còn cho biết đến bây giờ vẫn chưa thống kê xong trên địa bàn có bao nhiêu xe máy. Đơn cử như huyện Thường Tín, Hà Nội đến bây giờ mới đang trong giai đoạn thống kê số lượng phương tiện. Mặc dù được giao chỉ tiêu 9 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 7 huyện cũng mới chỉ thu phí được có khoảng 800 triệu đồng…

Không chỉ giới chuyên gia giao thông, tại một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra vấn đề này. Với mức thu phí từ xe máy chỉ đạt 20% trong năm 2013, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Trần Văn đặt vấn đề: Có ý kiến cho rằng, phí thu từ xe máy giá trị không lớn, nhưng chi phí quản lý tổ chức thu lại lớn. Vậy có nên dừng thu phí bảo trì đối với phương tiện xe gắn máy không?

Trao đổi với phóng viên xoay quanh chủ trương này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, về các chế tài xử phạt như Hà Nội đưa ra đối với những trường hợp cố tình chây ì không đóng phí, đây là thẩm quyền của địa phương và chính quyền cấp tỉnh hoàn toàn đưa ra quyết định về việc này.

Đối với kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với phương tiện mô tô, xe máy, theo ông Huyện thì “không có chính sách” này. Và theo quy định thì đã tham gia lưu thông trên đường thì phải có nghĩa vụ đóng phí.

“Anh đã đi xe trên đường, đã tham gia giao thông thì phải đóng phí chứ. Nếu không đóng phí thì nhà nước lấy tiền ở đâu để sửa chữa, bảo trì đường bộ?” – ông Huyện nói.

Ghi nhận các ý kiến nêu ra, song theo ông Huyện muốn tiếp thu và sửa đổi thì phải xem xét trên cơ sở các quy định hiện hành.

Về việc nên dừng hay thu tiếp phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, sẽ xin ý kiến thêm để có chỉ đạo từ Chính phủ, Quốc hội về việc này. Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, có thể số tiền phí thu được từ mô tô, xe máy không lớn, nhưng điều đó cũng thể hiện sự đóng góp của người dân vào hạ tầng giao thông.

Infonet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh