Thơm ngon bún súng Vũng Tàu
Bún súng Vũng Tàu nhiều người hay nhầm với bún nước lèo của người Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…, nhưng món ăn này là sự kết hợp mùi vị của ba nền văn hóa Khmer, Hoa và Việt.
Bún được chan nước lèo nấu từ hải sản như cá, tôm, mực và ăn kèm rau súng.
Ảnh Đoàn Xuân
Nhiều người cho rằng bún súng Vũng Tàu nổi tiếng thơm ngon, đậm đà có lẽ do gần biển, nguyên liệu hải sản đánh bắt lên luôn tươi, lại được chế biến ngay nên rất ngọt. Để có một nồi bún súng thơm ngon thì sợi bún, hải sản, cọng súng đều phải tươi.
Tôm, cá, mực làm sạch, hấp chín, sau đó xào sả ớt cho thấm gia vị. (Nếu luộc hải sản thì giữ lại nước để nấu nước lèo). Thường thì người ta vẫn ninh xương heo lấy nước làm nước lèo cho ngọt.
Sỡ dĩ bún súng Vũng Tàu có mùi vị đặc trưng là nhờ ở cách nêm nếm gia vị. Nước lèo được nấu từ mắm cá (cá sặc, cá linh, cá kèo, bò hóc hoặc cá lóc) sả đập dập, ớt. Mắm trước khi cho vào nước lèo phải được lọc kĩ, chỉ dùng nước trong thì nước lèo mới không có mùi nồng khó chịu. Đợi nước lèo sôi mới nêm nếm muối, đường, bột nêm, nước cốt me, ớt sa tế vào để nước lèo có vị chua, cay,ngọt đậm đà. Trong khi nấu nước lèo, thả thêm mấy cây sả đập dập vào cho thơm.
Súng tước vỏ, nhặt sạch, cắt khúc vừa ăn. Bún tươi chọn loại cọng nhỏ, nhúng nước nóng cho tơi sợi. Rau ăn cùng gồm có ngò om, rau thơm, rau muống, bắp chuối bào sợi, và rau súng. Gia vị dọn kèm thường có ớt tươi hoặc ớt sa tế, tỏi muối chua, nước mắm chanh hay muối ớt.
Lấy một ít cọng súng, bún cho vào tô, cho cá, tôm, mực lên trên, chan nước lèo cho ngập mặt bún. Rắc thêm tỏi phi, đầu hành (đã chần qua nước ấm) ăn nóng… Cọng súng màu tím, sợi bún trắng, nước dùng nóng tỏa mùi thơm ngào ngạt thật khơi gợi vị giác.
Theo Đoàn Xuân
Lao Động
Nhận xét
Đăng nhận xét