Nở rộ chương trình truyền hình cho khán giả nhí

Trẻ con đang có nhiều cơ hội để xuất hiện trên màn ảnh nhỏ thông qua các gameshow, chương trình truyền hình thực tế đang đua nhau trên sóng.

Khoảng hơn 10 năm trước, chương trình dành cho trẻ em trên truyền hình chỉ quanh đi quẩn lại với phim hoạt hình và ca nhạc thiếu nhi. Còn hiện nay, các chương trình đã đa dạng và phong phú hơn nhiều, dành cho đủ các lứa tuổi từ mẫu giáo đến phổ thông trung học. Ngoài 2 thể loại truyền thống, khán giả nhí bây giờ còn được xem phim truyện dài tập và đặc biệt là gameshow, truyền hình thực tế rất đa dạng.


Chương trình Chinh phục.

Có thể kể một số chương trình gameshow và truyền hình thực tế đáng chú ý như:Con đã lớn khôn, Ô cửa trái tim, Nhanh nào bé yêu, Hành trình xanh, Ước mơ của em (phát sóng trên HTV); Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Trẻ em luôn đúng, Chinh phục (phát sóng trên VTV); Nào mình cùng đi, Thi tài cùng họa sĩ Đốm, Vui học toán, Ống kính Biết Tuốt (phát sóng trên Kids & Family)… Ngoài những chương trình được Việt hóa, mua format về sản xuất trong nước, còn có những chương trình nguyên gốc từ nước ngoài nhưng được biên tập, lồng tiếng Việt như Ba ơi, mình đi đâu vậy? hay Hi5 - Cùng hát cùng vui (phát sóng trên HTV3)… 

Có những chương trình giàu tính giáo dục

Bên cạnh các chương trình bổ sung về kiến thức phục vụ học tập như Chinh phụchay Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 thì các tình huống của chương trình Con đã lớn khôn, Nhanh nào bé yêu, Ước mơ của em, Hành trình xanh, Cố lên con nhé… giúp các em thể thiện sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin và đặc biệt là giáo dục về những kỹ năng sống cần thiết, giúp các em tự lập và vững vàng hơn trong cuộc sống hàng ngày. 

Các chương trình truyền hình dành cho trẻ em hiện nay đều được những người thực hiện đặt mình vào tâm trạng trẻ em, quan sát sự phát triển trong từng độ tuổi để đưa ra một format phù hợp và tập trung khai thác “chất” thực tế. Chính các em là người tham gia vào chương trình truyền hình, các tình huống mà các em gặp sẽ xuất hiện một cách tự nhiên, thậm chí phát sinh do hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải do người lớn hướng dẫn hay áp đặt.


Chương trình Đồ Rê Mí.


Chương trình Giọng hát Việt nhí.

Song song đó, cách thức tổ chức đa dạng, các tình huống, trò chơi thay đổi liên tục, mới lạ, kết hợp hài hòa giữa tính giáo dục nhẹ nhàng, mềm mại và tính giải trí lành mạnh giúp cho nhiều chương trình truyền hình trẻ em thu hút được rất đông người xem, không chỉ các bé mà cả các bậc phụ huynh.

Nhưng không thiếu những chương trình mượn trẻ con làm giàu

Tuy rất giàu ý nghĩa nhân văn và giáo dục, giúp phát triển và nuôi dưỡng đời sống tâm hồn cho trẻ em, nhưng các chương trình như Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Chinh phục… ít được quảng bá rộng rãi về mặt truyền thông. Giờ phát sóng không thật thuận tiện cho khán giả nhí và phụ huynh đón xem (không nằm trong khung giờ vàng có thể thu hút được rating cao của các kênh truyền hình) nên chưa tạo được hiệu ứng khán giả thật tốt. Thậm chí có những chương trình lặng lẽ sống trên sóng truyền hình, không kèn không trống.

Trong khi đó, các chương trình truyền hình thực tế có tính chất giải trí thuần túy hay tập trung thi thố tài năng ca hát, nhảy múa lại ngày càng nở rộ, phát sóng trên các kênh có đông khán giả, trong giờ vàng và được quảng bá rầm rộ. 

Sau Giọng hát Việt nhí, ngoài các chương trình như Chung sức nhí, Đồ Rê Mívẫn tiếp tục guồng quay như các năm trước, sẽ có hàng loạt các chương trình mới có phiên bản từ các chương trình nổi tiếng ăn khách trên thế giới lần lượt ra lò. Đó là Vũ điệu tuổi xanh - Baby Ballroom, Bước nhảy hoàn vũ nhívà Vua đầu bếp - Master Chef đang rục rịch ra phiên bản dành cho trẻ em. Khoảng tháng 10, phiên bản nhí của Gương mặt thân quen cũng sẽ lên sóng...

\

Chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí.

Các chương trình dành cho trẻ em luôn có một lợi thế lớn về quảng cáo, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng phục vụ đối tượng này bao giờ cũng sẵn sàng ký hợp đồng quảng cáo vì một mũi tên trúng 2 mục tiêu - khách hàng trẻ con và khách hàng phụ huynh. Vì thế, các công ty sản xuất các chương trình hết sức tự tin khi bỏ ra một số tiền lớn mua những format chương trình gameshow hay truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng trẻ em. Bởi nguồn lợi từ quảng cáo cùng với nguồn thu từ nhắn tin bình chọn của khán giả là món lợi khổng lồ. 

Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế chủ yếu thi thố, tìm kiếm tài năng nhí đang có dấu hiệu nhàm chán, lặp lại giống như các cuộc thi dành cho người lớn. Đặc biệt, tính hồn nhiên, vô tư đã giảm nhiều khi tâm lý thắng - thua trở thành mục tiêu của thí sinh cũng như phụ huynh khi đăng ký tham gia. Để thu hút sự quan tâm, nhà sản xuất cũng manh nha nghĩ tới những chiêu trò.

Làm thế nào để lấy lại sự cân bằng cho các sân chơi dành cho trẻ em trên truyền hình? Hay cứ để các chương trình truyền hình thực tế thi thố tài năng lấn lướt như hiện nay vì đó là nhu cầu thực tế của thị trường? Những câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm đang chờ lời giải đáp từ các nhà đài cũng như nhà sản xuất.

Zing

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh