Những suối cá thần kỳ lạ tại Thanh Hóa

Suối Cá thần là tên gọi của một số dòng suối ở miền núi phía tây tỉnh Thanh Hoá, nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc được đồng bào dân tộc Mường, Thái ở địa phương gìn giữ và đã trở thành những danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Những suối cá thần đã có từ bao giờ, không ai biết chính xác nhưng được phổ biến rộng rãi lên phương tiện thông tin đại chúng từ một, hai... rồi đến ba nơi có cá thần tại Thanh Hóa đã tạo nên những điểm du lịch gây sốt cho du khách. Dulichgo sẽ giới thiệu về cả 3 suối cá thần này cùng hướng dẫn về đường đi, mời bạn xem nhé.

Suối Cá thần Cẩm Lương


Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa (cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 80 km về phía tây Bắc).

Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 đến 8kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc (tên khoa học: Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng...


Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần.

Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm. Bên cạnh suối cá thần, xã Cẩm Lương hiện đang còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương.


Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước của dòng suối này. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã để du khách có thể qua lại dễ dàng.
Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt.

Đây là một địa điểm tham quan nổi tiếng của Thanh Hóa. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.

Có thể nói rõ hơn về xã Cẩm Lương là xung quanh giáp với các xã Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Giang của huyện Cẩm Thủy và phía bắc giáp huyện Bá Thước. Hiện nay, đã có đường cầu treo qua sông Mã để du khách có thể qua lại dễ dàng. Suối Lương Ngọc dài hơn trăm mét, chảy từ một hang đá chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã.

Suối Cá thần Cẩm Liên

Suối Cá thần Cẩm Liên (còn được gọi là Suối Đóng hay Mó Đóng) thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá; cách thị trấn Cẩm Thuỷ 15 km về phía tây. Suối Đóng và Suối Cá thần Cẩm Lương nằm ở hai phía bờ khác nhau của Sông Mã.

Tên gọi suối cá thần Mó Đóng, có nghĩa là ở tại khu vực núi Đóng có khe nước chảy ra sông và người Mường thường quen gọi khe nước là Mó nước. Tại Mó nước này có cá thần sinh sống quanh năm suốt tháng nên mới có tên suối cá thần Mó Đóng.


 Cá dày đặc mặt suối.

Nước ở mó Đóng là nguồn nước cơ bản chảy ra ruộng để bà con bản địa cấy hái, nhưng cá chẳng bao giờ bơi ra. Chúng chỉ quẩn quanh trong một diện tích chừng 500m² rồi lại quay vào.

Loài cá này được người dân Mường gọi là 'cá phốôc' hay 'cá Dốc' có hình thù mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ. Cá thường nặng tới 6 - 7kg, con nhỏ thì cũng 300 gram. Đây cũng là loài cá ở suối cá thần Cẩm Lương.

Muốn vào hang núi Đóng nơi có loài cá trên sinh sống, người dân có thể đi vào bằng 3 cửa. 2 cửa trên hông núi không có nước, 1 cửa bên dưới nơi loài cá vẫn thường ra vào gọi là Mó Đóng. Tại đây có hàng ngàn con cá lượn lờ tìm ăn trong bán kính Mó Đóng chỉ rộng chừng 200m². Thỉnh thoảng có vài con phi lên khỏi mặt nước khi có ai đó ném bất kỳ vật gì xuống suối.

Cá Dốc xuất hiện nhiều nhất vào khi trời sáng, đến tầm 5 - 6 giờ chiều, khi mặt trời nhá nhem là lại rủ nhau vào hang trú ẩn. Có điều lạ là loài cá này không bao giờ bơi ra khỏi khu vực Mó Đóng, dù khe nước chảy ra cánh đồng của xã và đổ ra sông Mã. Kể cả khi trời lụt lội, nước cao tràn cả ra ngoài thì chúng cũng không hề bơi đi nơi khác.

Cá Dốc ở suối Mó Đóng nhiều như vậy nhưng không ai dám đánh bắt để ăn. Cùng lắm họ cũng chỉ lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình. Theo người dân nơi đây cho biết là nếu bắt cá ở suối cá thần là có tội nên ai đó gan to đến đâu cũng không dám mạo phạm.

Suối Cá thần tại xã Văn Nho

Đây là suối Cá thần được phát hiện tại Thanh Hoá. Suối thuộc bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Âm, một nhánh của sông Chu. Cá ở đây nặng từ 400g đến 5kg.

Từ QL217, qua UBND xã Văn Nho chừng 7km sẽ đến được với khu vực cận hang cá thần. Từ đây đi bộ vào chừng gần một cây số là đến. Hang cá thần nằm dưới chân một ngọn núi đá vôi, cây cối um tùm hoang sơ, tịch mịch. Bên dưới, một con suối ngầm chảy từ trong lòng núi ra, được người dân xây đập ngăn lại lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng và đây cũng chính là suối cá của xã Văn Nho.


Trong chuyến đi hôm ấy, chúng tôi may mắn gặp ông Hà Văn Thân, dân tộc Mường, sống tại thôn Chiềng Ban. Ông cũng chính là người được cử trông coi suối cá và bàn thờ trên núi. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn khi trông xuống dòng nước vì không thấy cá, ông nói: “Các cậu muốn thấy cá, thì phải làm thế này này”, nói rồi ông vỗ nhẹ hai bàn tay và rắc xuống mặt nước một ít bột, giống như cám ngô. Bất ngờ, một đàn cá lớn, lưng đen lao đến, vây kín mặt nước.

Từ trong hang, từng đàn cá lớn nhỏ cũng nối nhau bơi ra trước những tiếng động nhẹ phát ra từ đôi bàn tay của ông lão. Lấy làm lạ, chúng tôi ghé sát mặt nước và vỗ nhẹ, tức thì, đàn cá vây đến mỗi lúc một đông. Trong số đó, có không ít con cá với kích thước lớn, dễ chừng nặng đến chục cân. Theo ông, bình thường thì cá không hay ra khỏi hang như suối cá ở huyện Cẩm Thủy; cá ở đây chủ yếu là cá rộc, các loại khác cũng có nhưng ít hơn…

Cũng theo ông: suối cá này ông đã biết khi còn bé. Đây là một con suối ngầm chảy qua núi, bắt đầu từ cây số 8 ở đường 217 về đến Chiềng Ban. Phía sâu trong núi còn có một cái hang rộng khoảng 50m² với trần hang khá cao chính là nơi đàn cá tập trung với số lượng đông nhất. Bình thường đàn cá ở trong đó hết, chỉ khi có người tới thả thức ăn xuống đập cá mới ra nhiều. Muốn vào được hang phải lặn qua một cửa hang ngầm dài chừng 25m, nếu có gặp đàn cá thì cứ lẳng lặng mà bởi, đừng làm gì cả.

Từ những năm 1970, quân đội Việt Nam đã xây dựng đập chắn nước thủy lợi tại dòng suối này. Trong những năm gần đây, đàn cá nơi này có dấu hiệu phát triển ngày càng nhiều tạo nên sức hút của suối cá Chiềng Ban và xứng đáng là một điểm du lịch hoang sơ, lý tưởng cho tương lai.

Nét tương đồng giữa ba suối cá

- Khi được hỏi về lịch sử tồn tại và phát triển của các suối cá này, người dân địa phương không một ai hay biết. Ngay cả người cao tuổi nhất làng khi được hỏi cũng trả lời: “Tôi sinh ra thì đã có suối cá rồi. Các cụ thân sinh ra tôi cũng không hề biết suối cá có từ bao giờ”.

Chính vì không biết chính xác lịch sử của suối cá nên luôn có những câu chuyện thần thoại ly kỳ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người dân trong vùng, gắn liền với các suối cá. Những câu chuyện ấy nhằm giải thích về sự xuất hiện của suối “cá thần”, mang đậm giá trị tâm linh.

- Ba suối cá đều là con suối tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Các suối cá này đều nằm dưới chân một ngon núi cao, phía trong là một hang ngầm, là nơi để đàn cá vào nghỉ ngơi. Cửa hang rất hẹp, chỉ đủ cho đàn cá ra vào. Không một ai biết trong lòng hang rộng hẹp thế nào và bắt nguồn từ đâu? Liệu trong hang có con cá “hàng khủng” nào trú ngụ không?

- Phía trên các suối cá đều có một hang động rất đẹp, nhân dân trong vùng coi đó là nơi ở của 'thần cá'. Ở suối cá thứ nhất là Động Đăng, ở suối cá thứ hai là Động Nghỉ Mát (vì động này là nơi rất nhiều người dân trong vùng lên nghỉ mát vào những ngày hè) và ở suối cá thứ ba là Động Cá Thần (trong hang động này người dân lập bàn thờ để thờ 'thần cá').

- Đàn cá ở cả ba suối có vẻ như cùng loài với nhau, người dân trong vùng đều coi đó là loại cá thần, không một ai đánh bắt hay ăn thịt. Họ coi đàn cá như vị thần luôn phù hộ, giúp dân làng có cuộc sống ấm no.

Trước thông tin cho rằng một số cá ở suối giống với cá tại hai suối cá ở Cẩm Thủy, liệu các suối cá này có thông với nhau? Theo tìm hiểu của các cụ lớn tuổi thì khả năng 3 suối cá thông với nhau là ít xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ do địa hình biến đổi theo thời gian nên các rãnh, suối có sự thông nhau, muốn rõ được phải có cuộc khảo sát kỹ lưỡng mới có thể biết được.

Du lịch Thanh Hóa, bạn đừng quên những suối cá thần độc đáo này nhé.

Hướng dẫn thêm đường đến các Suối Cá thần:

+ Từ thành phố Thanh Hoá, có thể đến các suối Cá thần bằng hai con đường:
Theo quốc lộ 45, đi qua thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn), thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa), thị trấn Quán Lào (huyện Yên Định) đến thị trấn Vĩnh Lộc thì rẽ sang tỉnh lộ 217 đến thị trấn Cẩm Thủy, tiếp tục theo tỉnh lộ 217 khoảng 11 km đến gần hết địa phận huyện Cẩm Thuỷ thì rẽ phải và vượt sông Mã để vào suối Cá thần Cẩm Lương, hoặc rẽ trái để vào suối Cá thần Cẩm Liên. Nếu đi tiếp tỉnh lộ 217 đến thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) có thể đến được Suối Cá thần tại xã Văn Nho.

+ Theo quốc lộ 47, đi qua thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn), thị tứ Thiều (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn), thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) rồi ngược theo đường Hồ Chí Minh (đoạn quốc lộ 15A), đến thị trấn Ngọc Lặc. Từ thị trấn Ngọc Lặc rẽ sang tỉnh lộ 519 đến thị trấn Cẩm Thủy để vào suối Cá thần Cẩm Lương và suối Cá thần Cẩm Liên, hoặc theo quốc lộ 15A đến thị trấn Lang Chánh, rồi đến xã Thiết Ống thì rẽ vào Suối Cá thần tại xã Văn Nho.

Du lich Go

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh