Cầu "công thành danh toại" tại trường Đại học đầu tiên Việt Nam
Văn Miếu Quốc Tử Giám ngoài được biết đến là một di tích lịch sử, văn hóa bậc nhất, đây còn là nơi các sĩ tử cầu mong đăng khoa, những người muốn cầu mong con đường thăng tiến thuận lợi tìm đến mỗi dịp xuân về.
Văn Miếu và Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thủ đô Hà Nội. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long (thời nhà Lý), là tổ hợp gồm hai di tích: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; và Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 28/4/1962.
Văn Miếu Môn - cổng chính vào Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
Văn Miếu được xây dựng tháng 8 năm Canh Tuất, tức tháng 10 năm 1070 (đời vua Lý Thánh Tông) là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử...). Sáu năm sau (1076), Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở kề phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Bên trong có những lớp tường ngăn thành năm khu.
Toàn cảnh của Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tại đây có một số hiện vật quý: bên trái có chuông Bích Ung đại chung (chuông lớn của nhà Giám) do Nguyễn Nghiễm đúc năm 1768; bên phải có một tấm khánh đá, mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ, nói về công dụng của loại nhạc khí này. Tiếp sau Đại Bái là Hậu Cung nơi đặt tượng Khổng Tử và bốn môn đệ là Nhan Tử, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư. Sau khu Đại Bái vốn là trường Quốc Tử Giám thời Lê, khi nhà Nguyễn chuyển trường này vào Huế thì ở đây dựng đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử. Năm 1947, giặc Pháp đã đốt trụi khu này.
Khuê Văn Các trong một tác phẩm nghệ thuật.
Ngày nay, thành phố Hà Nội đã lập tại đây "Trung tâm hoạt động văn hoá - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám" để phát huy tác dụng của di tích. Đặc biệt trong năm 1999, thành phố đã khởi công xây dựng lại nhà Thái Học, một trong những công trình lớn chào mừng 990 Thăng Long - Hà Nội.
Ao nước hình vuông trong Văn Miếu.
Ngoài ra không thể không kể đến Bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu. Bia tiến, sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bia được đặt trên lưng rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt 300 năm.
Nhà trống của Văn Miếu.
Năm 1484, với chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã cho dựng 10 tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu cho các khoa thi năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1469, 1472, 1475, 1478, 1481 và 1484. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại 7 tấm bia. Trong những năm tiếp theo, các vua nhà Lê đã cho dựng thêm 5 tấm bia tiến sĩ các khoa thi năm 1487, 1496, 1502, 1511 và 1514. Đến thời nhà Mạc, do tiến hành nội chiến với nhà Lê Trung Hưng nên chỉ có 2 bia tiến sĩ được dựng cho khoa thi năm 1518 và 1529.
Nhà chuông của Văn Miếu.
Tất cả 82 bia tiến sĩ đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹt, trán cong, hình vòm. Các tấm bia được đặt trên lưng rùa, rùa được tạo dáng theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe. Cách thức dựng bia cũng rất độc đáo: đá dựng bia được lựa chọn kỹ càng, sau đó được thiết kế, trang trí, chạm khắc các hoa văn và bài ký. Vì được làm hoàn toàn bằng tay nên công viêc này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo rất lớn của những người thợ.
Dãy nhà bia tiến sĩ của Văn Miếu.
82 bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779) mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế.
Dãy Bia Tiến Sĩ ngày xưa.
Các bài văn bia còn ghi rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản và duy nhất của tư liệu. Các văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước biên soạn nên về cơ bản chúng là những tác phẩm văn học vô giá.
Hình ảnh cụ đồ viết thư pháp mỗi dịp Tết đến xuân về.
Khuê Văn Các- Văn Miếu, Quốc Tử Giám trên tiền tệ của Việt Nam.
Thế Anh tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet
Nhận xét
Đăng nhận xét