VN yêu cầu TQ rút tàu, thiết bị khỏi Gạc Ma

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu, thiết bị khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự", người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố.

17h chiều 16/6, Bộ Ngoại giao tổ chức Họp báo Quốc tế để tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí trong nước và quốc tế về tình hình Biển Đông.

Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tham dự cuộc họp báo có ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.


'Tư liệu của Trung Quốc về Hoàng Sa rất tùy tiện'

Phòng họp tại nhà khách chính phủ (Hà Nội) không còn chỗ trống. Mở đầu, ông Trần Duy Hải trình bày tóm tắt diễn biến sự việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Hải nhấn mạnh, thời gian gần đây, phía Trung Quốc liên tục đưa ra các bằng chứng chứng minh chủ quyền bất hợp pháp của mình đối với Hoàng Sa, nhưng tư liệu của Trung Quốc về Hoàng Sa rất tuỳ tiện.

Các tư liệu đều cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đưa ra các tư liệu chứng minh chủ quyền nhưng các tài liệu đó không phải của nhà nước phong kiến Trung Quốc mà là của các đơn vị tư nhân cung cấp.



Một loạt các bằng chứng, tư liệu cổ một lần nữa lại được đưa ra tại cuộc họp báo chiều nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Trước các nhà báo quốc tế, ông Hải cũng nhắc lại các lần Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, nổi bật là các lần xâm chiếm trái phép năm 1956 và 1974. Trung Quốc đã nhiều lần đưa quân đến Hoàng Sa, trong đó có một lần, hàng chục lính quân đội nước này giả dạng ngư dân đổ bộ nhưng bị lính của Việt Nam Cộng hòa đập tan âm mưu.

Trở lại tình hình hiện nay, ông Hải cho hay, Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần đàm phán với các cơ quan Trung Quốc nhưng đều bị từ chối. "Hơn thế, họ còn ra sức vu cáo, đâm va lực lượng của Việt Nam. Họ ngang nhiên tuyên bố đó là vùng chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc nói 'vẫn rộng cửa đàm phán với Việt Nam” là không chính xác", Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia nhấn mạnh.


Trung Quốc 9 lần vi phạm vùng biển Việt Nam

Còn ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với nhiều công ty dầu khí để thăm dò và khai thác toàn bộ dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế. Các hoạt động khai thác đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc khi nước này nhiều cuộc họp báo công bố chủ quyền của mình trên vùng biển của Việt Nam; đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò hết sức phi lý; cũng như nói có chủ quyền đối với 57 lô dầu khí của Việt Nam", ông Thập khẳng định.

Rồi ông Thập nhắc lại quá trình vi phạm của Trung Quốc trong nhiều năm qua trên vùng chủ quyền của Việt Nam. 

Năm 2003, giàn khoan Trung Quốc dự định khoan lô 113 nhưng bị Việt Nam phản đối quyết liệt. Năm 2006, Trung Quốc khảo sát lô 2D gần đảo Tri Tôn, Việt Nam tiến hành xua đuổi. Năm 2007-2008, nước này lại tham gia khoan tại Hoàng Sa nhưng PVN phản đối quyết liệt nên nhà thầu đã từ chối khoan cho Trung Quốc.

Năm 2010, Trung Quốc thuê tàu thăm dò tiếp lô 144, 143. Các tàu nước này cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Pháo trên tàu của Trung Quốc luôn chĩa vào các lực lượng Việt Nam. Tháng 9 năm đó, Trung Quốc lại tiếp tục hoạt động thăm dò cách đảo Lý Sơn 129 hải lý. Tàu Việt Nam vây ép xua đuổi thành công.

Năm 2011, Trung Quốc tiến vào phía tây đảo Tri Tôn ở vị trí lô 141, 143 và lại bị Việt Nam xua đuổi. Một năm sau, Trung Quốc mời thầu trái phép 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng không nước nào tham gia bỏ thầu. 

Lần thứ 9, Trung Quốc ký họp đồng với một công ty của Mỹ, nhưng nhà thầu này sau nhiều lần thay đổi đến nay vẫn chưa triển khai hoạt động gì. 


Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng cảnh sát biển cho biết, ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo đưa ra thông tin sai lệch tình hình thực tế tại hiện trường. "Trung Quốc công bố, tính đến 12h ngày 13/6, tàu Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc 1.547 lần. Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch trên. Thực tế, thì gian qua chỉ có Trung Quốc đâm va khiến 36 tàu của Việt Nam hư hỏng", ông Thu nói.

Theo ông Thu, Trung Quốc vu cáo Việt Nam sử dụng người nhái tấn công tàu Trung Quốc là không đúng. "Việt Nam không hề sử dụng người nhái tại hiện trường. Một số vật dụng Trung Quốc vớt được là của ngư dân Việt Nam trong lúc chống cự tàu Trung Quốc cố tình đâm va để lại", đại diện Cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ. 

Trước việc Trung Quốc khẳng định không đưa tàu chiến, máy bay đến hiện trường, ông Thu cho rằng, trên thực tế các phóng viên đã ghi lại được tất cả bằng chứng. "Chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm không dùng vũ lực để giải quyết tình hình", đại tá Thu khẳng định.

Công bố các video Việt Nam ghi nhận tàu Trung Quốc đâm va, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, tàu Trung Quốc còn phát ra các sóng tần nhằm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của lực lượng chấp pháp Việt Nam.


Nhắc lại chiến thuật gần đây của Trung Quốc, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc sử dụng các phương thức tạo cớ như chặn đuôi, chạy lên trước, cắt mặt, đâm vào tàu Việt Nam sau đó quay chụp tạo bằng chứng giả. Đến nay đã có 23 tàu kiểm ngư bị đâm và hư hại, 15 kiểm ngư bị thương.

"Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng cho thấy tàu Việt Nam chủ động đâm va, ông đã xem hình ảnh đó chưa? Có hay không việc Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái và bố trí các vật trôi nổi để cản trở Trung Quốc?", phóng viên truyền hình Nhật Bản đặt câu hỏi.

Đại tá Thu cho biết, chưa được xem clip do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố. Việc Trung Quốc đưa ra số liệu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1.547 lần là sai sự thật. Không có chuyện tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc. Một số thùng sắt Trung Quốc vớt được là phi đựng dầu nhớt, thùng sơn trên tàu bị Trung Quốc phun, đâm va làm rơi xuống biển.

Bình luận về việc ngày 13/6 Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 23 đảo đá trên quần đảo Hoàng Sa, ông Hải khẳng định, đề nghị này hết sức vô lý. 

"Việt Nam có đầy đủ pháp lý khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa. Chính Trung Quốc là người dùng vũ lực xâm chiếm các bãi đó và chính họ phải rút khỏi đó năm 1988", Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam bàn về vụ giàn khoan

Trả lời câu hỏi về chuyến thăm Việt Nam trong tuần này của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lê Hải Bình cho hay, đây là cuộc gặp của hai chủ tịch UB chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

"Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề TQ hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN chắc chắn sẽ được bàn đến", ông Bình nói và khẳng định thêm, cuộc gặp giữa hai chủ tịch ủy ban này "chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông".

Về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đang bồi đắp xây dựng một số công trình thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền. Cơ quan chức năng VN cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3/1988.

Người phát ngôn yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa và các khu vực khác trên Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu, thiết bị khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như tại Biển Đông", ông Bình tuyên bố.

Trong các cuộc họp báo trước đó, đại diện các Cục Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đưa ra những hình ảnh, video… chứng minh cho hành động hung hăng và ngang ngược của các tàu bảo vệ Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông:

5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29'58'' vĩ bắc - 111o12'06'' kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này.

Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam.

theo zing

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cuộc sống của bộ tộc du mục biển cuối cùng trên TG

22 bức ảnh nude đẹp nhất của sao Việt

những con đường đẹp nhất hành tinh